10:11, 15/11/2022

Tản văn: Chiếc hộp đựng phấn

Đó là chiếc hộp đựng thuốc lá của ba, được gò bằng vỏ quả pháo sáng, màu vàng, là kỷ niệm Trường Sơn ba đưa tôi cất giữ. Chiếc hộp đó ba được một người lính ngang qua binh trạm tặng. Tôi hỏi: Con đựng phấn đi dạy học được không? Ba gật đầu.

Đó là chiếc hộp đựng thuốc lá của ba, được gò bằng vỏ quả pháo sáng, màu vàng, là kỷ niệm Trường Sơn ba đưa tôi cất giữ. Chiếc hộp đó ba được một người lính ngang qua binh trạm tặng. Tôi hỏi: Con đựng phấn đi dạy học được không? Ba gật đầu.

 


Đó cũng là chuyện của hơn 40 năm, lúc ba tôi còn. Khi đó ba đã thôi hy vọng, thôi không tìm kiếm chủ nhân của chiếc hộp nữa. Ông cũng đã quá yếu rồi. Hơn nữa, những lá thư hồi đáp làm ba trĩu buồn đến vô vọng. Không có tin tức gì cả.


Khi bị bệnh, ba tôi không hút thuốc nữa. Đó cũng là thời gian ba sống ở nhà nhiều nhất. Ba vẫn hay lấy hộp thuốc ra trầm ngâm, nhiều lần ba khóc lặng lẽ. Chúng tôi hỏi, ba chỉ nói: Chẳng ai biết tin tức về nó. Cũng không biết bây giờ nó ra sao rồi.


Bao nhiêu năm, bao nhiêu lá thư gửi đi cũng bặt vô âm tín. Hồi đó mà có phương tiện liên lạc như bây giờ, có lẽ ba tôi tìm được người lính ấy. Giữa trùng trùng đoàn quân, giữa muôn ngàn gương mặt lính trẻ hành quân nườm nượp qua trạm, chủ nhân chiếc hộp trao vội cho người lính già, rồi lẫn vào hàng quân hối hả.


Hơn chục năm, chiếc hộp theo tôi lên lớp. Nó thành thương hiệu độc đáo trong mắt học trò những lớp tôi vào dạy. Không bao giờ tôi bị mất chiếc hộp, mỗi khi để quên trên lớp là tụi nhỏ lại mang đến đưa ngay. Tụi nhỏ nói: Chỉ có cô mới có hộp đựng phấn đặc biệt như vậy thôi. Tôi không nói gì về chiếc hộp đựng phấn. Mà học trò cũng không hỏi. Nhìn ánh mắt các em mỗi khi tôi cầm chiếc hộp, tôi biết các em hiểu. Cô bé lớp trưởng lớp tôi chủ nhiệm suốt 3 năm thủ thỉ: Chỉ cần nhìn tay cô nâng niu mỗi khi mở nắp, mắt cô trầm ngâm và rất tâm trạng, tụi em biết đây chắc chắn là kỷ vật vô giá. Chỉ những người lính hoặc người nhà của họ mới có được thôi.


Thương thật nhiều. Những đứa trẻ nghịch ngợm nhưng thông minh, hiểu chuyện và tinh tế. Hơn nữa, các em thật xứng với nghề đã chọn: Dạy học. Chỉ cần thế là chúng tôi đã rất yên tâm về các thầy cô giáo tương lai rồi. Họ chính là những ngọn lửa truyền tình yêu và chân lý cho thế hệ mai sau. Họ chính là những người nuôi dưỡng lòng biết ơn vô bờ với những hy sinh của các thế hệ cha ông, của những người lính.


Cũng như tôi, chiếc hộp phấn ba đưa tôi giữ là lời nhắc nhở, động viên: Hãy luôn vững vàng là con của một người lính. Sự cổ vũ, hơi ấm tình đồng đội như thấm vào từng viên phấn. Tôi luôn cố nắn nót từng nét, từng chữ như trân quý tình yêu thương đồng đội dành cho ba tôi, như lời thầm hứa với những người lính: Chúng con sẽ cố gắng để xứng đáng. Mỗi dòng, mỗi chữ tôi viết hàng ngày luôn ăm ắp tiếng cười lạc quan yêu đời của những người lính, ấm nồng sự vô tư thánh thiện của các chàng lính trẻ dành cho đồng đội. Tôi mang nặng sự biết ơn ấy trong mỗi lời giảng, trong mỗi câu chữ, tha thiết mong truyền được ngọn lửa đó cho các thế hệ sinh viên của chúng tôi. Tôi cũng luôn tin tưởng ở họ.


Chiếc hộp giờ cũng đã được nghỉ ngơi, như người lính thắng trận trở về. Tôi vẫn luôn đựng đầy những viên phấn trong hộp. Tôi cũng rất nhiều lần qua đồng đội cũ của ba để đi tìm chủ nhân của chiếc hộp. Mong phép màu để tôi có dịp thưa: Con đã hoàn thành nhiệm vụ mà ba đã dang dở!.


Anh Nguyên