11:03, 08/03/2022

Đôi bàn chân mẹ

Không rõ những người yêu thơ khác có cảm xúc ra sao khi tiếp cận bài thơ "Đợi mẹ" của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhưng còn tôi, mỗi khi đọc, lòng cứ bồi hồi với hình ảnh "em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa" khi "trời tối trên đầu hè/nửa vầng trăng non". 

Không rõ những người yêu thơ khác có cảm xúc ra sao khi tiếp cận bài thơ “Đợi mẹ” của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhưng còn tôi, mỗi khi đọc, lòng cứ bồi hồi với hình ảnh “em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa” khi “trời tối trên đầu hè/nửa vầng trăng non”. Và rồi “em bé nhìn đom đóm bay, chờ tiếng bàn chân mẹ/bàn chân mẹ lội bùn ì oạp cánh đồng xa…”. Bồi hồi, vì tôi đã có những lần đợi mẹ như em bé kia; bồi hồi bởi bài thơ nhắc đến đôi bàn chân mẹ lội bùn, vất vả mưu sinh giữa cánh đồng như thân cò trong đêm vắng.
 
Quê tôi nghèo, cũng như bao người phụ nữ khác, mẹ tôi cả cuộc đời vất vả nuôi con. Đôi bàn chân mẹ chẳng mấy lúc được thảnh thơi, khi ra vườn, ra đồng, lúc ra chợ… Đôi bàn chân tảo tần ấy suốt những tháng năm nối tiếp nhau chỉ mong sao cho đàn con có cái ăn, cái mặc. Nhiều lúc, mẹ cũng có mua cho mình một đôi dép, nhưng ít khi tôi thấy mẹ dùng, chỉ mang vào những lúc họ hàng có giỗ chạp hay phải đi xa. Chính vì thế, đôi bàn chân mẹ luôn vàng màu bùn đất dù là mùa đông hay khi trời đã sang mùa hạ. 

 

 
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần vào một buổi trưa, ngồi bên hàng hiên, em gái tôi xoa xoa bàn chân mẹ và nói rằng chân mẹ thô, ngón nào cũng to đùng. Mẹ cười, bảo “thôi cô, cứ chê đi, không thô thì lấy gì tui nuôi được cả mấy đứa đây!”. Nói rồi mẹ giải thích, những ngón chân to ra, trông thô ráp là do hàng ngày mẹ phải đi bộ nhiều, ngày mưa, đầu các ngón phải bấm chặt xuống mặt đường, có như thế mới khỏi trượt. 
 
Sau này lớn lên, chúng tôi nhớ mãi lời giải thích ấy. Ôi, đôi bàn chân mẹ tôi! Làm sao chúng tôi có thể đo được bao nhiêu ki-lô-mét đường mà đôi bàn chân mẹ đã đi qua trên dặm dài, lần dò từng bước giữa lúc trên vai nặng trĩu với gánh thóc, gánh khoai từ đồng về nhà hay trong đêm vắng đi tìm thuốc men khi con cái có đứa ốm đau bất chợt? Làm sao chúng tôi có thể đếm được đôi bàn chân gầy gò, đen đúa, lúc nào chỗ gót cũng chai sần, nứt nẻ kia đã bao lần vấp ngã chỉ để cho con cái được no lòng, được cắp sách đến trường? 
 
Tôi nhớ, hồi xưa, vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cha tôi tham gia công tác cách mạng và đi thoát ly, mấy anh chị em tôi đều còn nhỏ, gia đình thiếu thốn mọi bề và tất cả chỉ dựa vào mẹ. Có lần chiến tranh diễn ra ác liệt, cả làng phải tránh giặc, mẹ gánh một đầu là đứa em út, còn đầu kia là quần áo cùng cái nồi và ít gạo để đi, còn chúng tôi, đứa lớn, đứa bé chạy theo sau. Lần ấy, chẳng rõ vấp phải cục đá hay cái gì đó ở ven đường mà đầu một ngón chân của mẹ bị dập. Vậy mà mẹ chẳng hề dừng lại, cứ để thế mà gánh em tôi chạy tiếp…
 
Bao năm rồi trôi qua, mẹ tôi giờ không còn nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, tôi lại nhớ tới đôi bàn chân ấy. Thậm chí, có đêm tôi nằm mơ, thấy mẹ về nơi đầu sân ở căn nhà xưa với đôi bàn chân trần lấm đất. Mừng quá, tôi chạy ra ôm mẹ, nhưng giật mình, mới hay vừa nằm mơ…
 
HOÀNG ANH