10:12, 17/12/2021

Thương lắm ngõ quê!

Sống ở nông thôn, dù là vùng nào, miền nào, ngõ quê có lẽ là hình ảnh mà lớn lên không ai không nhớ mỗi lúc đi xa, dù rằng trong đời, có thể ta đã đi qua bao dặm dài, thả bước chân mình trên hàng trăm, hàng ngàn con đường lớn nhỏ khác nhau.

Sống ở nông thôn, dù là vùng nào, miền nào, ngõ quê có lẽ là hình ảnh mà lớn lên không ai không nhớ mỗi lúc đi xa, dù rằng trong đời, có thể ta đã đi qua bao dặm dài, thả bước chân mình trên hàng trăm, hàng ngàn con đường lớn nhỏ khác nhau.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Không rộng, không dài, ngõ quê chỉ là những đoạn đường ngắn, nhỏ hẹp, nối từ các con đường chính của làng vào các xóm, các sân nhà. Có khi đó chỉ là những lối đi rộng chừng hơn mét, chỗ cong, chỗ thẳng tạo thành ranh giới của các khu vườn, cũng có khi là lối đi từ các xóm dẫn ra đồng… Không lề, không theo khuôn mẫu nào, những bờ rào hai bên tạo thành ngõ quê có khi là những bờ tre xanh bốn mùa xào xạc bởi gió đưa; có khi là bờ bụi với vô số loài cây nhỏ lúp xúp hay những bờ rào dâm bụt hoặc chè tàu được người ta cắt tỉa thường xuyên nên gọn gàng, vuông vức cùng những hàng cau vươn cao, thân đã trắng màu…


Quê tôi vốn là vùng đất bằng phẳng, ngõ ngang, ngõ dọc khá nhiều. Nhưng điểm chung là ai nấy lớn lên đều gắn bó, để rồi tháng năm đi qua, bao kỷ niệm vui, buồn nối đuôi nhau đằm sâu trong ký ức, tạo thành nỗi nhớ không nguôi khi đi xa.


Ngõ quê, đó là nơi trong những buổi chiều êm đềm, đám trẻ con  xóm chúng tôi, con trai bắn bi, con gái nhảy tàu bay hay cả nhóm giấu mình sau những hàng chè tàu, bụi chuối, cút ca cút kít, chơi  trò trốn tìm… Chơi chán lại rủ nhau đi tìm những trái móc, trái chòi mòi quanh các bờ rào để ăn. Nhớ làm sao, nhiều đêm cả đám hát hò rồi cầm đèn, kéo nhau đi để bắt những chú ve non mới chui lên từ đất, bu vào các  gốc cây để lột vỏ. Vui sao, có những bữa, một đứa trong nhóm được mẹ cho tiền, giữa lúc đang chơi liền mua ngay một khúc kẹo kéo khi có người bán dạo đi ngang, để rồi chia nhau cùng ăn, sung sướng nhìn nhau cười tít mắt…


Ngõ quê, đó là nơi ngày mùa đi đâu cũng thấy vương vương những sợi rơm vàng; trưa trưa, chiều chiều, đi ngõ nào cũng nghe thoảng thoảng mùi thơm của cơm lúa mới. Những đứa bé từ đây theo mẹ đến trường để rồi trưởng thành vào đời với những lối đi riêng. Cũng từ đây, những con ngõ yên bình nối nhau, giăng mắc vào nhau biết bao yêu thương của tình làng nghĩa xóm.  Một trái bầu cắt đôi, một rổ sắn, bó rau cho nhau… qua ngõ nhỏ trở thành nhịp cầu nối thêm sức nặng cho câu ca “bà con xa không bằng láng giềng gần”.  


Khi ta lớn lên, ngõ quê có thể đã bị thu hẹp lại trong tầm mắt, nhưng bao kỷ niệm, bao ân tình ở đó dường như càng dài hơn, rộng hơn đối với những đứa con đi xa khi nhớ tới. Tôi có người chị ruột đang sống ở quê nhà, lâu rồi do dịch bệnh chưa về thăm được, dù bao lần chị hỏi: Khi nào em về? Cứ nghĩ, chiều chiều, có người chị tóc bạc đứng nơi đầu ngõ, trông đợi đứa em mà lòng thấy nao nao…


Phi Thanh