11:12, 10/12/2021

Áo tơi giờ vẫn quàng vai ra đồng…

"Ai cười thì cứ mặc ai/Áo tơi giờ vẫn quàng vai ra đồng/Gái quê ta vẫn má hồng/Người quê ta vẫn mặn nồng tình quê!/Đi xa ai cũng muốn về/Câu ca xứ sở tơi che mượt mà…". Đó là một khổ thơ trong bài thơ "Áo tơi" của nhà thơ Đặng Bá Tiến. Không rõ cảm xúc của người khác ra sao, với tôi, mỗi lần nhớ lại đoạn thơ trên, bao ký ức, bao kỷ niệm của một thời lại hiện về.

“Ai cười thì cứ mặc ai/Áo tơi giờ vẫn quàng vai ra đồng/Gái quê ta vẫn má hồng/Người quê ta vẫn mặn nồng tình quê!/Đi xa ai cũng muốn về/Câu ca xứ sở tơi che mượt mà…”. Đó là một khổ thơ trong bài thơ “Áo tơi” của nhà thơ Đặng Bá Tiến. Không rõ cảm xúc của người khác ra sao, với tôi, mỗi lần nhớ lại đoạn thơ trên, bao ký ức, bao kỷ niệm của một thời lại hiện về.

 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Tôi nhớ ngày xưa, ở quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác, khi chưa có áo đi mưa bằng ni lông, nên ra đồng, thậm chí ra chợ hay đi công việc gì đó người ta đều dùng áo tơi để mang. Làm được một chiếc áo tơi kể cũng không khó mấy. Nằm gần núi nơi có nhiều lá nón nên ở quê tôi, vào mùa nắng người ta hay đi cắt mang về phơi khô rồi sắp lớp lên một cái khung, sau đó dùng chiếc kim dài cùng những sợi mây nhỏ để chằm. Sau khi làm xong, dùng kéo cắt những chỗ thừa cho đẹp và gọn gàng. Phía trên áo, người ta xâu một sợi dây mềm để quàng vào người. Khi không sử dụng, áo tơi có thể cuộn tròn lại để vác trên vai hay cắp nách mang về.


Thường thì ở làng nào cũng có vài nhà làm tơi để bán. Nhưng nhà tôi, để đỡ tốn tiền, cha tôi tự đi tìm lá nón và tự vót mây, chằm lấy những chiếc tơi cho cả nhà vào những lúc nông nhàn. Người lớn cha chằm áo tơi dài, trẻ con như chúng tôi cha chằm áo ngắn. Một chiếc áo tơi nếu biết giữ gìn có khi dùng được đến 4 hay 5 năm mới hỏng.


Ở các vùng quê, đôi khi người ta dùng áo tơi cho cả việc chống nắng, nhưng ở quê tôi chủ yếu dùng để chống mưa. Cái hay của áo tơi là dù có gió mạnh, nước mưa cũng khó lọt vào trong. Lại ấm nữa! Những ngày đông, khi trời mưa phùn mang theo cái lạnh tái tê, có chiếc áo tơi mang ra đồng, ai nấy sẽ trở nên ấm áp hơn.


Tuổi thơ chúng tôi gắn liền với làng quê, ruộng đồng, với việc chăn trâu, cắt cỏ, đơm cá, bắt lươn… Quê nghèo, ăn còn thiếu nói chi đến các vật dụng sang trọng, nên chiếc áo tơi đã trở thành thứ thiết yếu khi mùa mưa tới. Khi cho trâu ra đồng, nếu gặp nắng lên, chúng tôi cởi ra dựng thành hàng nơi bờ ruộng; còn lúc về, của đứa nào, đứa nấy cứ úp lên lưng trâu cho nó chở.


Dù rằng ngày nay người dùng không còn nhiều, nhưng áo tơi đã trở thành một nét in đậm trong ký ức bao người. Không chỉ có thơ, hình ảnh chiếc áo dân dã chằm từ loại lá rừng ấy cũng đã trở thành đề tài xuất hiện trong nhiều loại hình văn học, nghệ thuật. Chẳng hạn như trong ca khúc nổi tiếng “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên có đoạn rất xao động với giai điệu bồi hồi: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn tỏa/Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai”…


Hoàng Nhật Tuyên