10:07, 27/07/2021

Trăng tháng Bảy

Phòng của tôi có khung cửa sổ nhỏ nhìn ra phía bên kia là vạt rừng hiếm hoi còn sót lại. Đêm qua thức giấc, tôi thấy một ô vuông sáng bên ngoài. Khẽ mở rèm cửa, tôi thấy một vầng trăng mờ ảo chênh chếch trên nền trời. Thì ra hôm nay là 17 âm lịch. Trăng sau rằm lại làm tôi nhớ đến em.

Phòng của tôi có khung cửa sổ nhỏ nhìn ra phía bên kia là vạt rừng hiếm hoi còn sót lại. Đêm qua thức giấc, tôi thấy một ô vuông sáng bên ngoài. Khẽ mở rèm cửa, tôi thấy một vầng trăng mờ ảo chênh chếch trên nền trời. Thì ra hôm nay là 17 âm lịch. Trăng sau rằm lại làm tôi nhớ đến em.

 

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet


Em là em họ của tôi. Năm ấy em mới 17 tuổi và là anh cả của 6 đứa em. Vừa học hết phổ thông, em xung phong đi bộ đội. Cô bạn cùng lớp có mái tóc dài chấm gót, khuôn mặt bầu bĩnh với hai lúm đồng tiền thật xinh cũng đi tiễn chân em. Khi đó hai em thầm yêu mến nhau mà chưa dám nói gì. Em lên xe, cô ấy dúi vào tay em chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim bồ câu chụm mỏ vào nhau và một bông hoa bưởi. Bốn bàn tay nắm chặt nhau, các em trao nhau một lời ước hẹn không nói ra lời. Rồi em vào mặt trận. Vài tháng sau, em viết thư về nói đang ở chiến trường Tây Nguyên. Những lá thư thưa thớt dần. Ngày đó, xóm nhỏ nhà tôi chừng hơn chục nóc nhà quây quanh quả đồi nhưng hầu như nhà nào cũng có một người đi bộ đội. Bên cạnh nhà em là nhà ông bà Kí. Con trai đầu đã hi sinh, con trai thứ hai, rồi con trai thứ ba đều đi bộ đội. Cứ khi nào chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam phát tiết mục ngâm bài “Bầm ơi” là các bà lại khóc thầm vì nhớ những người con và các bạn của con mình đang chiến đấu nơi chiến trường, nơi mà hòn tên mũi đạn chẳng biết né tránh ai…


Rồi em ngã xuống trong một trận giao tranh tại chiến trường Tây Nguyên. Nhận tờ giấy báo tử từ anh cán bộ huyện đội, mẹ em khóc lặng đi. Các em của anh, có những đứa em sinh sau chỉ biết anh cả qua tấm hình lồng trong tấm bảng “Tổ quốc ghi công” trên bàn thờ. Rồi thời gian trôi. Cô bạn gái của em sau bao nhiêu năm đi về lẻ bóng rồi cũng có một tổ ấm gia đình. Mẹ em đã già yếu. Năm nào cứ ngày 27-7 mợ cũng bảo các em đi mua hoa quả để thắp hương cho anh - đứa con trai hiền lành, tốt tính có nụ cười bẽn lẽn của mợ. Ngôi nhà khi em đi bộ đội là mái lợp lá cọ, khi các em của anh xây nhà mới lên, mợ tôi vẫn giữ lại nếp nhà đó bởi ý nghĩ: “Để đó rồi anh nó về không bị lạc nhà”. Em cùng các bạn mình đã có một tuổi xuân ngắn mà đủ đầy ý nghĩa. Đó là hi sinh cho hòa bình của Tổ quốc. Bao nhiêu năm đã trôi qua, em và những đồng đội đã ngã xuống khi đang chiến đấu ấy vẫn ở mãi ở tuổi 17 - lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời một người. Em và các bạn mình vẫn sống mãi trong tâm hồn, trái tim những người đang sống, vẫn âm thầm vun đắp cho cuộc sống tiếp tục phát triển, và mạch ngầm tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, lớn lao hơn là tình yêu cộng đồng dân tộc…


Tuổi 17 của tôi và các bạn mình là thời sinh viên gian khổ, thiếu thốn mà tràn đầy khát khao lãng mạn. Cũng có những buổi tập quân sự, những đêm dã ngoại hay tập chiến thuật ven sông Nhuệ. Những thời khắc đó giúp chúng tôi hình dung phần nào những công việc các chiến sĩ đang ngày đêm tập luyện. Đó là quá trình rèn luyện gian khổ nhưng cần thiết. Đã có bao nhiêu bản nhạc viết về thế hệ em và các đồng đội của mình, những người chiến sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc yên bình bằng tình cảm yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc lớn lao.


Tuổi 17 hiện nay đã là một thế hệ mới. Vẫn trẻ trung, vẫn mơ mộng lãng mạn. Được sống trong hòa bình và khoa học kỹ thuật phát triển, tuổi trẻ vẫn là lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất để thực hiện công cuộc chiến đấu, xây dựng bảo vệ nước nhà. Các em đang bước tiếp thế hệ cha anh, tiên phong đi bảo vệ biển đảo, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19, cũng như xây dựng phát triển kinh tế trên mọi miền của Tổ quốc thân yêu.


Sáng mai thức dậy, tôi nhìn qua khung cửa, thấy bông hồng đổi màu sau bao ngày hiện hữu. Những cánh thơm rồi sẽ theo gió ngàn bay. Những phiến mỏng cứ ngời lên sắc tía. Chút hương thơm thoảng nhẹ cả ban mai, thoảng nhẹ khắp ban công và tràn vào cả phòng thờ. Chợt nghĩ em và các bạn mình cũng là những bông hoa đẹp nhất nở lên từ đất mẹ. Hoa đã sống hết một đời có ý nghĩa, để khi tàn rồi vẫn còn lưu lại hương thơm và những yêu thương luyến nhớ của những người còn lại.


Vầng trăng 17 lặng lẽ sáng trên lưng trời đêm qua giờ đã lùi sau mây, nhường chỗ cho ánh nắng ban mai ấm áp rọi sáng khắp nơi. Đâu đó trong góc bàn thờ của gia đình, dưới khung hình tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, có người mẹ nào đặt lên đĩa hoa ngọc lan trắng ngần, tay run run thắp cho con mình cùng đồng đội nén nhang trầm thơm thoảng. Làn khói mỏng mảnh vấn vít hòa quyện cùng hương hoa lan tỏa khắp không gian như tấm lòng thơm thảo của người lính trẻ đang trở về trong vòng tay của mẹ thân yêu.


Bích Thiêm