11:07, 23/07/2021

Những người yếu thế

Vào dịp Tết năm con Chuột 2020, ai đó giàu trí tưởng tượng nhất cũng không nghĩ chỉ hơn năm sau, Nha Trang lại như thế này. Từ một thành phố có lượng du khách đông gấp 10 lần số dân địa phương, đường phố ùn tắc bởi các đoàn xe, nhà hàng mở ra như nấm, khách sạn trung bình mỗi tuần có một cái khai trương… giờ đây vắng lặng, dây cảnh báo giăng khắp nơi công cộng. Nhân lực ngành du lịch tan tác, và dân lao động tự do lãnh hậu quả trước tiên.

Vào dịp Tết năm con Chuột 2020, ai đó giàu trí tưởng tượng nhất cũng không nghĩ chỉ hơn năm sau, Nha Trang lại như thế này. Từ một thành phố có lượng du khách đông gấp 10 lần số dân địa phương, đường phố ùn tắc bởi các đoàn xe, nhà hàng mở ra như nấm, khách sạn trung bình mỗi tuần có một cái khai trương… giờ đây vắng lặng, dây cảnh báo giăng khắp nơi công cộng. Nhân lực ngành du lịch tan tác, và dân lao động tự do lãnh hậu quả trước tiên.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Xã hội nào cũng vậy thôi, dù giàu có, văn minh đến đâu thì trong xã hội vẫn luôn tồn tại một nhóm người rất chật vật trong đời sống mà người ta vẫn gọi là nhóm yếu thế trong xã hội. Với đất nước còn đang phát triển như mình, danh sách những nhóm người thuộc diện yếu thế dài lắm, mà tội nhất khi họ là lao động chính của gia đình…


Những người thợ xây dựng, bán vé số, bán hàng rong, lượm ve chai… ngày thường để lo cuộc sống, họ đã rất chật vật, làm ngày nào đắp đổi ngày ấy, hầu như chả có mấy chút để tích lũy. Các cụ vẫn nói ráo mồ hôi là hết tiền, mà nhu cầu chi dùng hàng ngày thì vô cùng. Nay dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến cuộc sống của họ càng thêm bấp bênh, bởi không đi làm là không có tiền. Ai cũng sợ dịch bệnh, nhưng nỗi lo cơm áo hàng ngày còn lớn hơn cả nỗi sợ. Đã vậy, giá cả trong những ngày này cái gì cũng tăng, càng tạo áp lực lớn hơn, khiến những nét hằn khắc khổ càng sâu hơn trên những gương mặt sạm nắng…


Hàng xóm bên cạnh đang xây nhà. Mới hơn 5 giờ đã thấy mấy anh thợ hồ tới rồi. Trong lúc ngồi chờ nhau đến giờ làm, cả hội bày cho nhau đi đường nào, giờ nào để né chốt phòng, chống dịch. Có một anh nói cứng, nếu bị Nhà nước bắt phạt thì tôi xin đi tù chứ tiền đâu nộp phạt (?) Nghe chuyện vậy mới hiểu tại sao clip “bánh mì” bữa rồi gây phẫn nộ dư luận đến vậy. Ngoài tâm lý chung bênh vực người yếu thế là anh công nhân, dư luận phẫn nộ bởi chi tiết ông cán bộ phường kia dọa điện thoại đến công ty để cho anh này nghỉ việc (hôm sau đúng là công ty cho anh tạm nghỉ việc thật). Cách làm vậy thật quá tàn nhẫn khi đập bể nồi cơm của người lao động giữa lúc dịch bệnh tứ bề. May mà các cấp chính quyền đã nhanh chóng giải quyết dứt điểm, và một cái kết có hậu cho người công nhân kia… Trong cuộc sống này, không có mấy người may mắn được như vậy.


Từ ngàn năm trước, Khổng Tử đã dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, có nghĩa là việc gì mình không muốn xảy đến cho mình thì đừng làm cho người khác. Nói nôm na là khi làm một việc gì đó, hãy đặt mình vào chính hoàn cảnh ấy. Có như vậy mới biết cân nhắc, đắn đo khi làm chuyện gì đó với ai. Điều đó thì có lẽ ai cũng đọc, ai cũng hiểu, chỉ có điều chả mấy ai thực hiện thôi. Dịch bệnh phức tạp kéo dài, lực lượng chức năng chốt giữ đã quá lâu ngày dưới trời nóng bức nên mệt mỏi, dễ bức xúc, bẳn gắt cũng là điều có thể hiểu được. Những người lao động phải vượt qua nỗi lo dịch bệnh để giữ lấy việc làm, viện đủ trăm lý do để qua chốt phòng dịch. Có đồng cảm, có hiểu được nhau như vậy để mỗi bên gắng kiềm chế đi một chút, kiên nhẫn lời ăn tiếng nói đi một chút, mọi việc mới dễ dàng hơn.


Đất nước này sẽ không để ai lại phía sau trong cơn đại dịch. Nhưng những người lao động vốn đã quen tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, còn nằm lòng câu “Tự cứu mình trước khi trời cứu”. Để rồi đọng lại những ánh mắt thấp thỏm, tất cả đều cầu mong cho dịch bệnh sớm bị đẩy lui. Để sớm đến ngày được đổ mồ hôi kiếm sống, như nhịp đời vốn vẫn vậy.


Thủy Ngân