09:07, 27/07/2021

Những chùm trái chín một thời thơ ấu

Nha Trang những ngày giãn cách. Ngồi nhà, nhìn ra trái chín màu cam vàng rượi, ký ức một thời thơ ấu chợt ùa về...

Nha Trang những ngày giãn cách. Ngồi nhà, nhìn ra trái chín màu cam vàng rượi, ký ức một thời thơ ấu chợt ùa về...

 

Cây lạc tiên.

Cây lạc tiên.


Hồi đó, nơi tôi sống, lạc tiên mọc đầy hàng rào quanh ngõ. Trái lạc tiên bọc trong cái lưới mỏng như lồng đèn nên nó còn có tên là chùm bao. Đến mùa, bọn trẻ háo hức tìm kiếm những trái chín lấp ló đâu đó trong bụi. Bỏ lớp vỏ mỏng, nhấm nháp vị chua ngọt của những hột chùm bao, với chúng tôi, chẳng có thứ trái cây nào ngon đến thế. Mẹ tôi và nhiều người trong xóm thường hái đọt chùm bao để hấp hoặc nấu canh vì đó là bài thuốc chữa mất ngủ rất tốt.


Một loại trái cây khác trải dài suốt thời thơ ấu nữa là sim. Phía sau nhà là những triền đồi bạt ngàn hoa sim tím. Sắc tím dần phai, nhường chỗ cho những quả sim non bám chi chít trên cành. Dưới nắng hè, những quả sim lớn dần, chuyển từ màu xanh sang đỏ rồi tím, tím sẫm. Chiều nào bọn trẻ cũng chạy lên đồi, tìm hái những quả sim tím đậm, căng tròn, ngọt lừ, ăn cho thỏa thích rồi túm một vạt áo trước bụng đem về cho các em ở nhà. Sau này, dù có ăn bao nhiêu thứ trái ngon khác, vị ngọt của sim vẫn chẳng thể nào bị xóa nhòa.


Trâm cũng là loại quả tôi rất thích hồi nhỏ. Dù là quả dại nhưng vườn nhà ngoại lại có 1 cây trâm. Cây ra hoa vào đầu hè, kết thành từng chùm trái. Rồi những chùm trâm chuyển từ màu xanh sang đỏ rồi tím đen. Bọn trẻ xúm lại, vắt vẻo trên cành, hái những trái trâm to bằng đầu ngón tay út, tím mọng, bỏ cả chùm trái chua chua, ngọt ngọt, thơm dìu dịu vào miệng nhai rồi phun hạt phì phì. Sau này, có lần con gái tôi đọc mấy câu đồng dao “Trời mưa lâm thâm/Cây trâm có trái/Con gái có duyên/Đồng tiền có lỗ...”, hỏi mẹ ơi trái trâm như thế nào, tôi lúng túng vì chẳng thể nào kiếm nổi 1 trái trâm cho con.
 


Ngày xưa ở quê tôi, dủ dẻ mọc khắp nơi. Hoa dủ dẻ màu vàng nhạt, cánh dày, cứng, không rực rỡ như nhiều loài hoa khác. Có lẽ vì không đẹp nên chúng thường rụt rè ẩn mình dưới những tán lá rậm rạp. Song, mùi hương hoa dủ dẻ khó có loài hoa nào sánh kịp. Hương hoa dủ dẻ lan tỏa xa đến vài trăm mét và thơm lâu đến vài ngày. Đó là lý do hoa dủ dẻ thường được các chàng trai hái tặng bạn gái và các cô nàng thích cất giữ bên người. Những chùm dủ dẻ có từ 3 đến 7 quả bằng ngón tay, lúc non có màu xám nhạt nhưng khi chín thì vàng ươm, căng mọng. Đó là món quà đơn sơ nhưng ngọt ngào mẹ hái trên những con đường đi công tác, được chúng tôi hớn hở đón nhận và nâng niu. Sau khi ngắm nghía, hít ngửi chán chê rồi mới nhẹ nhàng cho từng quả vào miệng, nhai thật chậm để thưởng thức vị thanh ngọt từ từ lan tỏa. Bao nhiêu năm rồi mà mùi thơm của hoa, vị ngọt của trái dủ dẻ vẫn như còn phảng phất...


Tôi vẫn nhớ những ngày thơ ấu, một món quà mẹ hay mua mỗi khi đi chợ là những xâu bồ quân hấp dẫn. Quả bồ quân tròn, nhỏ bằng ngón tay, khi chín có màu tím sẫm, trong ruột màu vàng nhạt. Trước khi ăn phải xoay xoay, vò vò, bóp bóp từng quả sao cho trái mềm nhũn mới cảm nhận được vị ngòn ngọt, bùi bùi, thơm mát nơi đầu lưỡi của bồ quân. Dạo sau này, ở nhiều nơi, bồ quân được chở về thành phố. Do có hình dáng giống trái cherry nên được gọi là cherry Việt Nam, có giá vài chục ngàn đồng/ký. Người ta mua để ăn tươi hay ngâm rượu. Mừng cho thứ trái dại một thời thơ ấu được lên ngôi.


Một loại quả khác của thời thơ ấu là trứng cá. Tôi biết loài cây này khi về Nha Trang sinh sống. Ngày ấy, trên nhiều con đường thường có những cây trứng cá vươn những tán lá rộng, tỏa bóng râm mát, làm dịu đi cái nắng chói chang miền biển. Đến mùa, những trái trứng cá chín màu đỏ rực, lấp ló trong những tàng lá. Trứng cá chín ngọt thanh, thơm lừng. Thật tiếc là bây giờ ít ai còn trồng trứng cá và trẻ con cũng chẳng thèm ăn quả chín.


Giờ đây, quà bánh và nhiều thứ quả ngon lành khác đã thay thế những loại trái cây ưa thích của một thời thơ ấu. Tuy vậy, trong những ngày giãn cách này, câu chuyện về những ký ức tuyệt đẹp ấy sẽ là dịp để gia đình gắn kết với nhau hơn.


Giao Thủy