10:03, 05/03/2021

Má chưa bao giờ được đi thang cuốn!

Một lần trong siêu thị, tôi thấy một cô gái khoảng 20 - 25 tuổi, vóc người nhỏ nhắn, gương mặt ưa nhìn. Cô đi với một phụ nữ luống tuổi, chắc là bà của cô. Hai người đứng loay hoay ở lối lên cầu thang cuốn. Nghe cô nói "Bà cố lên, can đảm lên", tôi hiểu rằng cô đang động viên bà của mình đi thang cuốn. Người bà chần chừ mãi, nhớm đưa chân vào thang rồi thụt lại đến mấy lần. Cô gái nói nhỏ nhẹ với bà, kiểu dỗ dành rất tình cảm.

1. Một lần trong siêu thị, tôi thấy một cô gái khoảng 20 - 25 tuổi, vóc người nhỏ nhắn, gương mặt ưa nhìn. Cô đi với một phụ nữ luống tuổi, chắc là bà của cô. Hai người đứng loay hoay ở lối lên cầu thang cuốn. Nghe cô nói “Bà cố lên, can đảm lên”, tôi hiểu rằng cô đang động viên bà của mình đi thang cuốn. Người bà chần chừ mãi, nhớm đưa chân vào thang rồi thụt lại đến mấy lần. Cô gái nói nhỏ nhẹ với bà, kiểu dỗ dành rất tình cảm.


Tôi lên trước, mãi mới thấy họ lên. Khi người bà bước chân ra sàn an toàn, cô gái vỗ tay hoan hô và họ cùng cười rất vui. Cô nói: “Cháu đã nói mà, đâu có sợ phải không?”. Người bà trả lời: “Bà vẫn còn hồi hộp đây nè”.


Sự việc khiến tôi nhớ đến má tôi, đời bà chưa một lần được đi thang cuốn. Hồi ấy, Co.opmart gần nhà mới khai trương, tôi hay rủ má đi siêu thị. Khi tôi cần mua gì trên tầng lầu, má luôn nói: “Để má ngồi đây chờ con”.


Tôi muốn má biết trên lầu có những mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp… đẹp mắt, tạo cho má cảm hứng vui sống, vì cho dù má không có nhu cầu sắm sửa nhưng được ngắm tận mắt hàng hóa phong phú chắc má cũng thích.


Nhưng, nói cách nào má cũng không chịu đi thang cuốn. Hồi đó tôi không biết cách dỗ má như cô gái ở trên, mà thật ra tôi cũng lo má không đi được, nguy hiểm. Khi chứng kiến cô gái đưa bà đi thang cuốn, tôi thấy ân hận quá. Phải chi tôi can đảm hơn, động viên má mạnh mẽ lên, đừng sợ và tôi sẽ giữ má an toàn... Chuyện qua lâu rồi, giờ nghĩ lại tôi thấy hối tiếc.


Nỗi ân hận như vết dao cứa thêm vào lòng tôi khi một hôm, bạn tôi đưa lên facebook hình bạn cùng má đi thang cuốn ở Singapore. Tôi bình luận: “Má giỏi quá, đi được thang cuốn luôn”. Bạn trả lời: “Mình phải dỗ mãi má mới chịu đi. Bà đi mà run, nhưng đi được rồi má thích lắm”. Giá má tôi đi được một lần, bà sẽ không còn sợ nữa. Dù có sợ không dám đi lần hai thì má cũng được đi thang cuốn rồi!


Sau này, đi siêu thị cùng tôi, dạo một lúc má luôn nói: “Má ra ngoài ngồi chờ con nhen, má mỏi chân quá!”. Tôi hiểu, chân má không như ngày xưa, thoăn thoắt nhà trên, xuống bếp dọn cái này, nấu cái kia lúc tôi sinh con thứ hai. 25 năm rồi còn gì!  


2. Không biết từ khi nào, mỗi lần vào siêu thị, tôi chỉ lấy xe đẩy mà không dùng giỏ kéo hay giỏ xách tay dù đôi khi chỉ mua vài món lặt vặt. Đi với chiếc xe đẩy, tôi cảm giác như có điểm tựa, thấy vững. Lại nhớ hồi ấy, sáng sớm đi bộ cùng tôi ra biển, má hay nói: “Đi với con có người cho má nắm tay. Đi với mấy bà bạn già, chẳng ai nắm tay ai, nhiều lúc liêu xiêu muốn té”.


Tôi nhớ nhà văn Võ Hồng lúc sinh thời, mỗi khi đi bộ ngoài đường, tay ông luôn dắt chiếc xe đạp. Có lần tôi hỏi: “Sao bác không đạp xe mà dắt bộ vậy?”. Ông nói: “Đi bộ có chiếc xe đạp vịn vào cho vững”.


3. Mấy tháng cuối đời, chân má tôi yếu không tự đi được mà phải có người dìu hay ngồi xe lăn.


Tết vừa rồi, hình ảnh tôi ghi lại trong trí nhớ nhiều nhất là cảnh con cháu đẩy xe lăn cho cha mẹ, ông bà ra công viên xem không khí Tết. Họ cùng nhau chụp rất nhiều hình. Vui và trông thật cảm động, làm tôi càng nhớ má và hối tiếc khi chưa một lần đẩy xe đưa má đi coi Tết.


Cũng một lần ở tháp Chăm - Phan Rang, tôi gặp hai vợ chồng đi tham quan. Chiếc taxi vừa dừng, người vợ nhanh nhẹn bước xuống, anh tài xế mở cốp lấy ra chiếc xe lăn rồi phụ người vợ đỡ chồng ngồi vào. Vợ đẩy chồng đi dạo và chụp hình. Khi thì vợ gợi ý chụp cảnh này, khi thì chồng kêu vợ chụp cảnh kia…


Tôi hay suy nghĩ, con người sinh ra, lớn lên rồi già đi, không ai thoát được quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Bất cứ ai cũng cần có một điểm tựa, dù hình thức nào. Hãy làm gì cho nhau khi còn gặp nhau, bên cạnh nhau, cùng vui sống đến phút giây cuối cùng, tận hưởng từng giọt mật vô giá.


KIM DUY