10:02, 18/02/2021

Những tiếng rao cũ kỹ

Có một buổi chiều tự nhiên nhớ ra lâu lắm rồi chưa ăn món gỏi bò khô, thế là chúng tôi rủ nhau chạy ra góc đường Hàn Thuyên ăn cho được món ăn kỷ niệm, chỉ nhớ đến là thấy thèm.

Có một buổi chiều tự nhiên nhớ ra lâu lắm rồi chưa ăn món gỏi bò khô, thế là chúng tôi rủ nhau chạy ra góc đường Hàn Thuyên ăn cho được món ăn kỷ niệm, chỉ nhớ đến là thấy thèm. Cầm đĩa gỏi bò khô trên tay tôi không vội ăn, chỉ ngồi nhìn mấy miếng bò khô màu nâu sậm nổi bật trên những cọng đu đủ trắng ngần chan nước sốt màu vàng mật ong và chút tương ớt màu đỏ với mấy cọng rau xanh kèm mấy hạt đậu phộng bẻ đôi là thấy nước miếng muốn ứa ra. Chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ ngồi cắm cúi ăn và khi ngẩng lên nhìn quanh bỗng thấy buồn cười khi thấy mình lạc lõng giữa những chiếc áo trắng học trò. Hai người bật cười nhận ra mình già nhất trong số khách hàng đang thưởng thức gỏi bò khô. Chợt nghĩ nếu như là ngày xưa, mình chẳng cần chạy mấy cây số ra đây, ngồi trên chiếc ghế thấp trên lề đường ăn hàng không hợp với mình chút nào. Nếu là ngày xưa thì những buổi chiều thế này chỉ cần ngồi trước hiên nhà đợi một tiếng rao là có thể ăn món mình thích.

 

Ảnh: G.C
Ảnh: G.C
 
Thật ra hồi đó, để ăn món gỏi bò khô thì khách hàng không cần đợi tiếng rao, chỉ nghe tiếng xấp xấp của chiếc kéo là biết xe gỏi bò khô đã đến. Ông Tàu già mặc chiếc áo khoác màu vàng đất đã cũ, đẩy chiếc xe cũng cũ kỹ dừng lại theo tiếng gọi. Mấy đứa nhỏ đứng cao chỉ vừa qua chiếc tủ gương bên trong chỉ có chiếc khay đựng đu đủ xanh bào sợi, bên cạnh là thịt bò khô với đủ gan phổi thật gợi thèm. Chị em tôi và lũ trẻ hàng xóm, mỗi đứa bưng một chiếc đĩa nhựa nhỏ màu đỏ hoặc màu xanh, ngồi ngay hiên nhà xì xụp thưởng thức món ăn thần thánh. Chỉ là đu đủ còn giòn giòn trộn với nước mắm chua chua, ngọt ngọt, cay cay, có khi hít hà chảy nước mắt, húp cạn đĩa mắm mà vẫn chưa đã thèm. Tôi nhớ là chưa bao giờ được ăn đĩa thứ hai cho thỏa thích và chưa bao giờ thấy chán vì lần ăn này cách lần sau chắc cũng lâu lắm.
 
Nhớ gỏi bò khô là bao nhiêu cái nhớ được gợi lại. Hồi xưa, ngoài tiếng kéo xấp xấp của xe gỏi bò khô, bọn trẻ còn đợi tiếng rao của gánh đậu hũ. Bà bán đậu hũ già có nụ cười rất hiền với chiếc đòn gánh rất dẻo nhún nhảy trên vai, một đầu là cái khạp đất đựng đậu hũ và đầu kia là chiếc tủ gỗ nhỏ đựng nước đường, cái thố nhỏ đựng đường thắng rất keo nhỏ xíu mà có khi bán hết đậu vẫn còn đường. Chén đậu hũ nóng được múc ra bằng cái vá mỏng tang chan một muỗng nước đường màu vàng nâu thơm nồng mùi gừng là thứ thức ăn ngon tuyệt vời sau giấc ngủ trưa.
 
Trong ký ức của tôi vẫn còn rõ ràng những tiếng rao khuya, tiếng rao đã giữ lại những kỷ niệm của thời nhỏ dại. Thuở đó, ông nội không thích ăn chay nhưng sợ bà nội buồn nên những ngày rằm, mùng một hàng tháng ông phải ăn chay cùng bà. Ăn chay rất mau đói nên ông cứ mong mau qua nửa đêm để ăn phở. Nhưng xe phở không đợi nửa đêm, có khi chỉ khoảng mười giờ tối, nghe tiếng rao “phở” kéo dài ngân nga là ông nháy mắt cho tôi ra đường chặn xe phở lại. Khi ông bán phở giở nắp nồi ra là một làn hơi thơm lừng bốc lên ấm áp cả trời đêm. Tôi thường được ké một tô nhỏ, tô phở có ít bánh, chỉ vài miếng thịt thật mỏng và nước dùng trong veo nhưng ngon cực kỳ. Thực lòng mà nói đến tận nửa thế kỷ sau này, tôi chưa bao giờ ăn lại được tô phở nào có hương vị của thời thơ dại đó.
 
Mỗi đêm, sau khi xe phở đi ngang là tiếng rao kéo dài “bánh chưng, bánh ú đây” vang lên từ đầu đường đến cuối đường. Giọng rao lảnh lót đó là của cô Minh. Cô thường mặc đồ bà ba đen hoặc nâu, đội thúng bánh nặng trên đầu nhưng bước đi uyển chuyển và cười rất tươi mỗi khi được kêu cô Minh ơi, bán bánh.
 
Những kỷ niệm của một thời tuổi thơ êm đềm đã qua rất lâu rồi nhưng mỗi khi ăn lại món ăn cũ, thấy lại điều gì đó mang máng ngày xưa thì rất nhớ, nhớ cái xóm cũ cùng ngôi nhà xưa và gia đình lớn của mình. Bây giờ cuộc sống thay đổi rất nhiều và chính mình cũng không còn giống mình thuở ấy nhưng kỷ niệm thì vẫn đẹp, vẫn đủ sức làm chao lòng. Bây giờ không thấy người ta gánh đậu hũ bán dạo ở các con đường, đậu hũ cũng không được ủ nóng trong cái khạp đất mà bỏ vào chiếc thùng đựng đá bằng nhựa rồi đặt trên cái yên phía sau xe đạp. Bây giờ cũng không còn ai đội thúng bánh chưng thật nặng lên đầu, vừa đi vừa rao “bánh chưng đây...”, chỉ nghe mấy tiếng rao rè rè thu âm sẵn vang lên thật nhanh theo tiếng xe máy vụt qua. 
 
Ai cũng phải lớn lên, không cần phải nuối tiếc gì nhưng những hoài niệm ấy làm cho ta ấm lòng mỗi khi nhớ lại. Và chỉ cần để nhớ mà thôi.
 
LƯU CẨM VÂN