09:12, 29/12/2020

Đọc "Những bài thơ thời chưa tóc bạc"

Nhà thơ Trần Vạn Giã vừa ra mắt tập thơ "Những bài thơ thời chưa tóc bạc" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020). Thật khó để phân biệt được rạch ròi trong tác phẩm này, bài thơ nào tác giả nói về thời tóc còn xanh, bài nào viết về thời tóc mình đã bạc, nhưng điểm chung, ở tập thơ mới này của Trần Vạn Giã có nhiều bài, nhiều đoạn thơ khá hay, dù viết về giai đoạn nào, nội dung nào.

Nhà thơ Trần Vạn Giã vừa ra mắt tập thơ “Những bài thơ thời chưa tóc bạc” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020). Thật khó để phân biệt được rạch ròi trong tác phẩm này, bài thơ nào tác giả nói về thời tóc còn xanh, bài nào viết về thời tóc mình đã bạc, nhưng điểm chung, ở tập thơ mới này của Trần Vạn Giã có nhiều bài, nhiều đoạn thơ khá hay, dù viết về giai đoạn nào, nội dung nào.

 


Cũng như một số tập thơ trước đây, ở tập thơ mới này, hình bóng quê hương vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng chủ đạo để Trần Vạn Giã tạo nên những vần thơ lung linh sắc màu. Như trong bài “Về quê xây mộ ngoại”, ta bắt gặp hình ảnh của vùng quê Vạn Ninh, mảnh đất đầy nắng và gió ven biển với những câu thơ như: “Tu Bông gió bấc tháng Mười/Cơn mưa lạnh cóng tiếng cười bà ơi/Lớn lên vấp ngã đường đời/Củ khoai lùi dựng nón cời, áo tơi”. Cũng là Vạn Ninh nhưng trong bài “Thưa mẹ con đi” lại được khai thác ở một chiều hướng khác: “Không quên bụi chuối hàng cau/Hương quê vẫn đậm sắc màu thời gian/Tạ ơn lòng mẹ cưu mang/Tạ ơn hạt lúa đồng làng Vạn Ninh”…


Viết về quê hương, thơ của Trần Vạn Giã không chỉ ghi lại bao dấu ấn, bao kỷ niệm… lúc ít, lúc nhiều, khi đậm nét, khi thoáng qua, nhưng tất cả luôn mênh mang bởi tình cảm, bởi sự trăn trở, lay động từ tâm hồn. Một hàng cau, một cái ao làng, ánh nắng chiều trên bờ cát trắng hay một câu ca dao ai hát ru con trong đêm vắng… tất cả qua lăng kính của cảm xúc đã trở thành những thi ảnh lấp lánh. Thậm chí, khi ngồi thơ thẩn nhìn lại đời mình, bóng dáng quê hương cũng hiện lên trong cảm thức của tác giả với bao nỗi niềm. Cả đến lúc được đặt chân đến những nơi phồn hoa đô hội như Paris của nước Pháp, được dạo bước dọc bờ sông Sein, quê nhà cũng len vào hồn nhà thơ với nỗi nhớ bồi hồi: “Đi xa tôi đã nhớ làng/Khói đồng ai đốt, đò ngang ai chờ/Tôi nghe tiếng dế tình cờ/Gáy trong bụi cỏ bên bờ sông Sein/Cũng là tiếng gáy rất quen/Đã từng nghe cuối đồng Lèn ở quê” (Tình cờ nghe dế gáy bên bờ sông Sein).


Tập thơ còn có khá nhiều bài thơ viết về những đề tài khác, như nói về người thân, bạn bè, về những sự kiện, địa phương mà mình đã đi qua, về những hoài niệm hay tự vãn… Tuy nhiều đề tài nhưng với ngôn từ dung dị, cô đọng, sâu lắng và được chắt lọc nên thơ Trần Vạn Giã không vì thế mà bị loãng, ngược lại cũng rất thơ, rất gợi.


Ai đã từng tìm hiểu về những chặng đường phát triển của thơ Trần Vạn Giã mấy mươi năm qua rất dễ nhận ra, chất tự vãn xuất hiện trong tập “Những bài thơ thời chưa tóc bạc” nhiều hơn so với các tập thơ trước đây của ông. Tự vãn nhưng không kể lể, than trách, mà đa phần được soi rọi dưới lăng kính chiêm nghiệm, nhờ vậy, tác giả đã tạo được nhiều biên độ liên tưởng đối với người tiếp cận.


Hoàng Anh