09:10, 23/10/2020

Lòng trắc ẩn

Câu chuyện bên ly cà phê cuối tuần, trong một quán nhỏ cuối đường, vẫn là chuyện mưa lũ ở khúc ruột miền Trung. 

Câu chuyện bên ly cà phê cuối tuần, trong một quán nhỏ cuối đường, vẫn là chuyện mưa lũ ở khúc ruột miền Trung. Chuyện về cô ca sĩ Thủy Tiên với số tiền ủng hộ 100 tỷ, về những đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau về vùng lũ, về những xóm làng những ngày này đỏ lửa nấu bánh chưng, bánh tét cho bà con… Cảm xúc của mỗi người có thể khác nhau, nhưng lòng trắc ẩn của hàng triệu người dân Việt Nam thì có lẽ chưa bao giờ được khơi lên mạnh mẽ như lúc này. Như khi hôm qua đi học về, cô con gái nhỏ bỗng ôm chặt lấy mẹ, nói con thương mấy bạn ở chỗ bị lũ lụt quá, nước ngập lút mái, không biết nhà mấy bạn đó bữa giờ xoay sở sao? Rồi con nói cố hình dung nếu nhà mình bị như vậy thì sẽ như thế nào nhưng con không dám nghĩ tiếp, vì sợ… Giọng con lại vui hẳn khi khoe ngày hôm qua cả trường phát động ủng hộ, thu được hơn 200 triệu đồng. Có lẽ con chưa hình dung 200 triệu đồng là bao nhiêu, lớn như thế nào, nhưng 50 ngàn, 1 triệu hay vài trăm tỷ - giờ phút này đều có giá trị như nhau - giá trị của sự tử tế và lòng trắc ẩn.


Những ngày này, nhìn mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về vùng rốn lũ, lại thấy lòng se thắt. Chợt nhớ khi cơn đại hồng thủy năm 1999 cũng đổ xuống dải đất miền Trung nhấn chìm nhiều nơi và khiến gần 600 người chết, lúc đó chưa có mạng xã hội nên cứ đến giờ tivi chiếu tin tức thời sự, hầu như ai cũng canh để xem, vừa coi vừa rớt nước mắt, thấy dường như Huế,  Quảng Bình, Quảng Trị… sao mà xa tít tắp… Giờ thì mạng xã hội đã làm cho những tấm lòng gần hơn với nhau, đã làm thức tỉnh hàng triệu con tim bởi những điều tử tế lan tỏa, bởi những hình ảnh chân thật làm lay động lòng người. Người ta hay nói sống ảo trên mạng ảo, nhưng rõ ràng những ngày này, con người sống thật với nhau nhất. Dẫu là cảnh bạn bè gặp nhau ở quán cà phê vẫn cắm mặt vào điện thoại, vợ chồng con cái cũng mỗi người một máy sau bữa cơm tối… nhưng ít ra vẫn có chung một mối quan tâm, là lướt tìm những thông tin về vùng rốn lũ, rủ nhau đóng góp cho hội này hội nọ, chia sẻ với nhau những điều cần biết cần thiết, những câu chuyện hay, những việc làm ý nghĩa… Như câu chuyện của ca sĩ Thủy Tiên, dù ai đó còn tranh cãi về những điều luật cho phép và không cho phép, nhưng rõ ràng những gì cô làm đã truyền cảm hứng và khơi dậy lòng trắc ẩn của rất nhiều người…


Lòng trắc ẩn ấy, hình như không có ở những người suốt ngày ngồi một chỗ làm anh hùng bàn phím? Người ta có thể tranh cãi hàng giờ trên mạng xã hội về chuyện đi cứu trợ, về cách làm từ thiện mà chưa hề đóng góp một đồng nào để làm từ thiện. Người ta có thể soi mói những thứ cô ca sĩ mặc trên người khi đi vào vùng lũ, mà không nghĩ những giá trị tích cực cô ấy đã làm cho những người dân đang mong chờ một bàn tay nắm lấy giữa bốn bề nước lũ… Một người bạn chia sẻ, những ngày này, bạn chỉ thích đọc những thông tin tích cực để tìm năng lượng và làm những điều tích cực. Bạn nói, thử nhìn những người dân đang ngồi trên nóc nhà chờ tới cứu, nhìn những gia đình đau đớn mất người thân…, trong khi mình vẫn còn may mắn có nhà để ở, có cơm để ăn, ngủ trong chăn ấm nệm êm, mới thấy sao không chia sẻ, không làm cho nhau những điều tử tế nhiều hơn, để cuộc sống này đừng mong manh thêm nữa…


Chợt nhớ đến bộ phim giả tưởng nổi tiếng Terminator - Kẻ hủy diệt. Bộ phim nói về viễn cảnh đến 1 ngày, máy móc sẽ thống trị con người vì  sự thông minh đến tàn khốc của nó. Nhưng con người sẽ không thua, vì con người có 1 thứ mà máy móc không có được, đó là lòng trắc ẩn. Giống như bây giờ, thời đại công nghệ thông tin, trên mạng xã hội có những thứ thật và không thật. Nhưng rõ ràng, lòng trắc ẩn vẫn là thứ quý giá nhất để con người luôn hướng về nhau…


Lệ Hằng