10:06, 30/06/2020

Mùa vải chín

Những ngày này đang mùa vải và mùa vải thì rất ngắn, chỉ độ hơn 2 tuần là hết. Cái thứ trái cây xa lắc ngoài Lục Ngạn, Bắc Giang những năm gần đây trở nên quen thuộc với người phương Nam, ngự đỏ rực các sạp trái cây ngoài chợ. Những người đi chợ mua về thắp nhang ngày mùng Một, ngày Tết 5-5… được các cô chủ sạp "khuyến mãi" câu mời "mua mau kẻo hết mùa, năm nay vải xuất khẩu hết rồi nên về chợ chả còn mấy trái…".

Những ngày này đang mùa vải và mùa vải thì rất ngắn, chỉ độ hơn 2 tuần là hết. Cái thứ trái cây xa lắc ngoài Lục Ngạn, Bắc Giang những năm gần đây trở nên quen thuộc với người phương Nam, ngự đỏ rực các sạp trái cây ngoài chợ. Những người đi chợ mua về thắp nhang ngày mùng Một, ngày Tết 5-5… được các cô chủ sạp “khuyến mãi” câu mời “mua mau kẻo hết mùa, năm nay vải xuất khẩu hết rồi nên về chợ chả còn mấy trái…”.

 

Trái vải đỏ rực gợi nhớ tuổi thơ. Ngày ấy, trong vườn nhà có cây vải mà mọi người gọi là vải tu hú, vì cứ đến khi nghe chim tu hú kêu thì vải trên cây cũng bắt đầu chín đỏ. Loại vải đó trái to, hạt to, cùi mỏng lét và chua… trời sợ. Bọn trẻ hào hứng nhắm tịt mắt mà ăn để lấy hạt. Hạt vải cắm cây tăm thành con quay, cầu kỳ hơn là ngâm con quay đó xuống bùn, qua đêm trở nên đen bóng, vậy là vui suốt bao trưa hè.


Trái vải chua le đó chả hiểu sao ngày xưa lại thành đặc sản. Truyền thuyết nói rằng nàng Dương Quí Phi của vua Đường Minh Hoàng thèm ăn vải. Vậy nên dân Hoan Châu là Nghệ An bây giờ vẫn phải hàng năm gánh vải qua bên Tàu cống nộp. Còn nhớ những giờ học sử ở trường có bài về khởi nghĩa Mai Thúc Loan năm 713. Ông cầm đầu nhóm phu gánh vải qua triều cống đã nổi dậy khởi nghĩa, xưng Mai Hắc Đế. Ông hùng cứ đất Hoan Châu mấy năm trời mới bị nhà Đường dẹp yên. Ngẫm lại thấy các cụ nhà mình ngày xưa viết sử cũng có trí tưởng tượng bay bổng ra trò. Bởi ngày ấy gánh vải mà đi bộ sang đất Trường An hết mấy tháng, mấy năm? Với đường sá tốt như ngày nay, trang bị cho mỗi cụ một chiếc Wave Tàu, chở 2 sọt vải phi ngày đêm từ đất Hoan Châu tới Trường An hơn 4.000km thì người cũng như vải, cũng hỏng hết trơn, lấy đâu cho người đẹp thưởng thức…

 

 

Trái vải mà ta đang mua ở chợ thực ra mới được du nhập từ… Trung Quốc vào ta khoảng đầu thế kỷ XIX. Truyền thuyết nói rằng có mấy nhà buôn Triều Châu ăn trái vải, vứt hạt lại nên có người phu thuyền nhà ở Thanh Hà, Hưng Yên nhặt về ươm. Hiện giờ, những người trồng vải vẫn nhất trí tôn cây vải cổ hơn 200 tuổi ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà là cây vải tổ. Vậy mới có từ vải thiều, là từ chữ Triều mà ra. Rồi từ đất Hưng Yên, cây vải theo chân người về quê mới là đất Lục Ngạn, Bắc Giang và vùng này ngày nay trở thành thủ phủ vải thiều của cả nước.


Vậy là cây vải của tuổi thơ chả mấy liên quan gì đến trái vải đang đỏ phố ngày nay. Cũng phải thôi, cái giống vải tu hú ấy, ai bây giờ còn để cho chật vườn, bởi những đứa trẻ ngày ấy giờ đã thành người già, và giống chim tu hú bây giờ họa hoằn còn lại đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc…


Chỉ có những trái vải ngọt mọng, đỏ tươi ấy lặng lẽ nhắc nhở biết bao nhiêu những điều tưởng đã tan đi trong ký ức.


Thủy Ngân