10:04, 07/04/2020

Đi viện mùa dịch

Đi khám bệnh là chuyện chẳng đặng đừng, vì tôi vốn sợ không khí của bệnh viện. Nỗi sợ này thường trực trong lòng từ ngày còn bé tí, khi mẹ dẫn đi tiêm phòng… 

Đi khám bệnh là chuyện chẳng đặng đừng, vì tôi vốn sợ không khí của bệnh viện. Nỗi sợ này thường trực trong lòng từ ngày còn bé tí, khi mẹ dẫn đi tiêm phòng… Đã vậy mấy ngày này, thông tin về dịch bệnh tràn ngập nơi nơi, nỗi sợ mơ hồ càng lớn. Lỡ đâu vừa đến lúc khám, đầu mình âm ấm, thế là bị cách ly sao? 
 
Nhưng rồi sáng nay tôi cũng phải đi bệnh viện, vì sợ để lâu bệnh nặng nên đành “trang bị” kỹ lưỡng rồi đi. Bệnh viện thưa vắng hơn ngày thường và làm thủ tục xếp hàng nhanh hơn. Lúc ngồi chờ đến lượt siêu âm, tôi chọn cái ghế xa nhất để ngồi, khẩu trang vẫn che kín. Nhìn lớp ri-đô màu xanh ngăn chỗ người ngồi đợi và người đang siêu âm bên trong, tôi chợt nghĩ đến một điều: bên ngoài kia nắng nóng lắm, thế nhưng trong căn phòng này chỉ có màu xanh của rèm, của tiếng cô bác sĩ đang khẽ nói cho bệnh nhân trở mình, đặt tay… để siêu âm. Ngoài cửa kia là hành lang bệnh viện, mọi người ngồi im, nhẫn nại chờ đến lượt vào khám; còn trong căn phòng này dường như thời gian không trôi chảy, không có gì quan trọng và có ý nghĩa bằng sức khỏe bản thân mỗi người. 
 
Có tiếng ai khe khẽ hỏi nhau về người thân ở thành phố có về không, rồi tiếng trả lời: “Lúc này mà về gì? Đang dịch! Thôi ở đâu ở yên đấy cho đỡ nguy hiểm”. Bạn thấy đấy, mọi người đã có ý thức về việc hạn chế đi lại để giảm sự lây lan của dịch. Chỗ tôi ở đây là xã vùng sâu vùng xa, phiên chợ nhỏ xíu nhưng mỗi sáng mỗi chiều các bà, các chị vẫn hỏi nhau về con vi rút Corona đã có thêm bao nhiêu người là nạn nhân của nó. Những con số cập nhật cuối mỗi ngày của thế giới, của nước mình… được người ta theo dõi thường xuyên. Có sợ hãi nhưng mọi người đều hiểu cách giải quyết tốt nhất là phòng tránh để không bị lây nhiễm. Những nhà có con cái đi làm ăn ở thành phố lớn cũng khắc khoải thấp thỏm hỏi nhau, nhắc nhở và cầu cho con cái cùng mọi người sự an lành trong mùa dịch. Có người có thân quyến mất mà không thể về gặp mặt được lần cuối, những đám cưới đã đặt tiệc rồi lại phải hủy. Mới thấy cuộc sống thường nhật đang bị con vi rút này quấy đảo. 
 
Trong những ngày này, điều mà ai cũng thấy ấm lòng đó là những tình cảm, hành động đẹp của mọi tầng lớp nhân dân dành cho cộng đồng, như câu hát của ai đó “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”. Từ những người lính nhường doanh trại cho dân, những y, bác sĩ ngày đêm tận tụy bên giường bệnh, trong khu cách ly, đến những nhà hảo tâm quyên góp tiền, hiện vật cho người bệnh, những cụ già ủng hộ từ cân gạo, bó rau hay những doanh nhân, ca sĩ đóng góp tiền mặt, những du học sinh tặng quạt máy cho khu cách ly… 
 
Có thể bạn đã thấy và đọc đâu đó những bài thơ ca ngợi những cá nhân có đóng góp nhiều trong thời gian chống lại dịch bệnh. Ý tình có thể còn vụng về nhưng ẩn trong đó chính là lòng yêu nước, ý thức với công cuộc chung của dân tộc và của chính bản thân mỗi người. Tôi nghĩ đó mới là điều đáng trân trọng nhất. 
 
Chợt nghĩ thương những bóng áo blouse trắng kia. “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng tôi”. Với người thường thì dịch bệnh ở trong nhà, né dịch. Thâm tâm mình ra ngoài là ngại, biết đâu người đi ngang mình… Còn họ lại là người xông pha tuyến đầu. Cô vít cô viếc gì thì những bệnh khác vẫn có chờ đâu. Bệnh viện cứ phải khám, phải chữa thôi. 
 
Trong lúc chờ đến lượt khám mà chợt nhớ từ nguyên của bệnh viện ngày xưa. Ngày ấy, dân gọi bệnh viện là nhà thương đấy chứ! Phải rồi, nhà thương là những lúc hoạn nạn như vậy chứ đâu?
 
Bích Thiêm