10:04, 24/04/2020

Cúi xuống thấy mình…

Mới đó mà ngỡ như xa lắc xa lâu rồi, những ngày thành phố nghẹt khách du lịch, xe lớn xe nhỏ nối đuôi nhau trên mọi ngõ ngách. Dòng xe máy của người đi làm khẩu trang che bụi kín mặt, hoặc kiên nhẫn nhích theo dòng xe ùn tắc, hoặc nóng lòng tìm một khe hở nào đó để chen vào mong về nhà nhanh hơn tí chút… Có thời gian đâu mà để ý xung quanh?

Mới đó mà ngỡ như xa lắc xa lâu rồi, những ngày thành phố nghẹt khách du lịch, xe lớn xe nhỏ nối đuôi nhau trên mọi ngõ ngách. Dòng xe máy của người đi làm khẩu trang che bụi kín mặt, hoặc kiên nhẫn nhích theo dòng xe ùn tắc, hoặc nóng lòng tìm một khe hở nào đó để chen vào mong về nhà nhanh hơn tí chút… Có thời gian đâu mà để ý xung quanh?


Thành phố xao xác vắng trong những ngày dịch bệnh, thành phố im lìm trong những ngày cách ly xã hội… Phố xá vắng tênh như mấy mươi năm về trước, chạy xe lúc này mới có thời gian mà ngó nghiêng, mới kịp nhìn thấy bao điều, ngay cả nhìn xuống chân mình. Và để rồi thấy được bao điều, nếu không có đợt dịch bất ngờ này chắc dễ gì đã thấy…


Những ngày này mới thấm thía hai chữ “đồng bào”. Cùng là con một bọc sinh ra nên hoạn nạn mới mở vòng tay ôm ấp, đùm bọc, giúp nhau qua cơn khó. Những ông chủ tập đoàn tài trợ trăm tỷ, chục tỷ thì không dám nói, nhưng có bao nhiêu người chưa phải đã giàu, ngày đêm kêu gọi bạn bè quyên góp gạo, mì gói, nước sát khuẩn, khẩu trang… cho người nghèo. Bao nhiêu người lặng lẽ chở gạo đến tiếp cho các cây “ATM gạo” mà chưa kịp biết mặt qua lớp khẩu trang.


Trên đường đi làm, qua những cây “ATM gạo” của Nha Trang ở Trường Tiểu học Phước Tiến, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũ, thấy dòng người ngày ngày kiên nhẫn xếp hàng dưới nắng hè chờ đến lượt vô nhận gạo, chợt thấy nhói lòng. Dân mình còn nhiều người khổ quá. Người nghèo đô thị mong manh quá, vài tháng dịch bệnh phải nghỉ mưu sinh là muốn đứt bữa. Cách ly xã hội mới bộc lộ một sự thật là những người nghèo ở đô thị là đối tượng mong manh nhất, là những người bị tổn thương đầu tiên. Mưu sinh trong những ngày thường chỉ là để họ đắp đổi qua ngày, ngày nào biết ngày ấy, ráo mồ hôi là hết tiền ăn.


Thông điệp “gạo cho những người cần” đang như làn gió mát lành, lan tỏa khắp trong xã hội. Đến giờ phút này, chỉ nhẩm tính những gì đã được báo chí thông tin, những gì bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội, cũng cả trăm tấn gạo đến với người nghèo trong tỉnh. Có thể đó là từ sự vận động của các đoàn thể, có thể từ các doanh nghiệp kết nối trực tiếp đến các phường, xã, có thể từ những hội bạn bè hay một cá nhân… Bao nhiêu nguồn đều hướng về người nghèo. Ấm lòng hơn khi qua facebook của bạn, biết được huyện miền núi Khánh Vĩnh, bà con đồng bào dân tộc thiểu số cho dù chả có bị dịch bệnh làm ngưng cuộc mưu sinh, vẫn được bao tấm lòng nhân ái san sẻ gạo cho những ngày này.


Bao giờ cho thành phố nhộn nhịp lại như xưa, để những người mưu sinh trên vỉa hè lại được tiếp tục công việc hàng ngày. Có thể khi ấy đa số chúng ta cũng quay về nếp cũ, căng thẳng trong dòng xe ùn tắc, cau có khi vỉa hè bị những người vô ý thức lấn chiếm làm nơi buôn bán… Không có chút thời gian dừng lại để thấy chính mình.


Chợt giật mình nhận thấy, chính cái ồn ào, xô bồ vậy nhưng đó mới là cuộc sống đích thực. Cầu mong sớm đến một ngày, những cây “ATM gạo” chỉ còn là kỷ niệm đẹp của một thời đã qua.


Thủy Ngân