08:11, 26/11/2019

Khoai lang ngoại nấu

Hôm rồi, cô gái bán hàng rong ngang qua nhà, cất lời mời nhỏ nhẹ: "Cô ơi, mua giùm con ít khoai lang ngào đi. Ngon lắm đó cô!". Tôi lập tức móc ví, mua ngay vài gói, không chỉ vì cái giọng Quảng Nam hết sức dễ thương, mà còn vì mới nghe tên món ăn "khoai lang ngào", ký ức một thời thơ ấu chợt ùa về…

Hôm rồi, cô gái bán hàng rong ngang qua nhà, cất lời mời nhỏ nhẹ: “Cô ơi, mua giùm con ít khoai lang ngào đi. Ngon lắm đó cô!”. Tôi lập tức móc ví, mua ngay vài gói, không chỉ vì cái giọng Quảng Nam hết sức dễ thương, mà còn vì mới nghe tên món ăn “khoai lang ngào”, ký ức một thời thơ ấu chợt ùa về…

 

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet


Hồi đó, chúng tôi sống ở quê với ngoại, một cồn cát ven sông. Vì thế, sản phẩm chủ yếu ngoại trồng là khoai lang. Vào mùa thu hoạch, cả trẻ con và người lớn tíu tít bận rộn bên những luống khoai. Đất cát nên không cần nhiều sức, chỉ kéo nhẹ, cả một dây khoai lủng lẳng củ căng tròn còn bám đất đã bật lên, trong cảm giác hả hê không bao giờ chán của những đứa trẻ con.


Ngoài một ít để ăn tươi, ngoại chọn những củ khoai lang ngon nhất, cạo bỏ vỏ lụa bên ngoài, rửa sạch, xắt lát phơi khô. Khoai khô được bảo quản trong những bồ kín tránh ẩm mốc, để dành dùng dần quanh năm.


Những buổi tối, bên ánh đèn dầu, một nồi khoai lang mới luộc nghi ngút khói bên ấm trà xanh là “mồi” cho những câu chuyện hết sức rôm rả của bà con lối xóm. Những buổi sáng tinh mơ, ngoại dậy sớm, luộc một nồi khoai lang thật to, lấy ra rổ, để cả nhà ăn sáng. Miếng khoai lang bở tơi, ngọt lừ, quyện với vị chua chua mặn mặn của trái cà muối giòn rụm là món ăn khoái khẩu không bao giờ chán ngày ấy.


Ở xứ sở khoai lang nên khoai lang khô là món thường xuyên có mặt trên bàn ăn bởi dễ dàng chế biến thành nhiều món khác nhau. Lúc nấu cơm, chỉ cần cho một ít khoai lang khô đã rửa sạch vào nấu chung với gạo là có ngay một nồi cơm - khoai lang. Cũng vì nghèo, không có gạo nên mới phải thêm khoai lang khô, chứ món này là nỗi ám ảnh của tôi suốt thời thơ ấu. Thời gian đầu, chỉ một ít khoai khô nấu với gạo, ăn còn thấy ngon. Nhưng vào mùa giáp hạt, gọi là cơm nhưng chỉ có vài hạt gạo gánh cả lô khoai lang. Giờ nhớ lại, chợt thắt lòng thương ngoại khi ngày ấy, thấy bọn trẻ chống đũa ngồi trước chén khoai cõng gạo, ngoại hết dỗ dành, an ủi lại quay đi thở dài…


Thỉnh thoảng, ngoại đổi món, làm món khoai lang khô chấm muối vừng. Ngoại cho khoai vào nồi, đổ nước xâm xấp rồi nấu chín. Đến bữa, mỗi người một bát, ăn với muối vừng giã nhỏ, ngon và lạ miệng hơn.


Lâu lâu, ngoại đãi cả nhà món khoai lang khô tẩm đường. Khi nấu khoai gần chín, nước trong nồi chỉ còn lại một ít thì cho đường đen và gừng giã nát vào đảo nhẹ tay cho khoai thấm đường. Cầm trên tay miếng lá chuối bọc khoai ngào đường của ngoại, mỗi đứa chạy đi mỗi góc, nhẩn nha nhấm nháp. Sao mà ngon thế!

 
Đặc biệt nhất vẫn là món khoai ngào đường kèm đậu đen, đậu phộng… như cô bé xứ Quảng bán cho khách hôm ấy. Ngoại ngâm đậu từ tối hôm trước nên hôm sau nấu rất nhanh mềm. Tiếp tục cho khoai lang khô và đậu phộng đã luộc vào, để lửa liu riu cho khoai chín rồi mới thêm gừng và đường. Đợi khoai thật ráo mới nhắc nồi xuống. Món khoai ngào có vị bùi của khoai, vị ngọt của đường, mùi thơm của gừng, vị béo của đậu phộng… là món ăn trên cả tuyệt vời suốt một thời thơ ấu…


Nhấm nháp từng miếng khoai ngào đường mới mua, sống mũi tôi chợt rân rân.


Nhớ ngoại quá ngoại ơi!


Trần Thị Giao Thủy