11:10, 18/10/2019

Bỏ phố về quê

Sáng Chủ nhật, hàng quán lúc nào cũng đông hơn bình thường. Ngày nghỉ mà. Vả lại, ở khu công nghiệp này, trừ số ít công nhân ở gần nhà về quê chơi, còn lại đều ra khỏi khu nhà trọ chật chội, ngột ngạt. 

Sáng Chủ nhật, hàng quán lúc nào cũng đông hơn bình thường. Ngày nghỉ mà. Vả lại, ở khu công nghiệp này, trừ số ít công nhân ở gần nhà về quê chơi, còn lại đều ra khỏi khu nhà trọ chật chội, ngột ngạt. Trước khi ra chợ mua vài thứ rau dưa, thịt cá để cải thiện cho buổi cuối tuần, mọi người thường hẹn hò nhau tại một quán cà phê quen thuộc nào đó, chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ nhà ở đến công việc, con cái, cả chuyện yêu đương, ghen tuông…


Thiên ngồi uống cà phê cùng mọi người. Anh ít nói, lâu lâu lại mỉm cười theo tiếng nói chuyện ồn ào, rôm rả của mọi người. Thi thoảng Thiên nhìn đồng hồ xem mấy giờ rồi. Thiên chờ ba từ quê lên.


Thiên ra trường, tốt nghiệp bằng kỹ sư điện loại khá. Thời buổi này, mỗi năm sinh viên ra trường cả ngàn người, bằng giỏi còn thất nghiệp đầy thì tấm bằng của Thiên không xin được việc cũng không có gì lạ. Nhưng về quê thì làm gì nên Thiên cố bám lấy thành phố. Sau mấy tháng vác hồ sơ đi hết công ty nọ, xí nghiệp kia, Thiên cũng đành chấp nhận làm công nhân cho một công ty sản xuất hàng gia dụng. Một công việc chẳng liên quan gì tới những kiến thức Thiên được học ở trường. Nhưng thôi, xin được việc, tự kiếm được cơm ăn, không phải bám vào ba mẹ nữa là may lắm rồi. Thiên chăm chỉ, thật thà, làm việc nhanh nhẹn, có hiệu quả, dần dần cũng được cất nhắc từ công nhân bên dây chuyền lên nhân viên bốc kho, rồi quản lý kho. Lương từ ba triệu đồng, giờ cả tăng ca cũng được sáu, bảy triệu đồng mỗi tháng. Tăng ca tăng kíp, căng thẳng mệt mỏi, tiền lương mỗi tháng so với ở quê là cả một gia tài nhưng chẳng bõ bèn gì với cuộc sống đắt đỏ ở thành phố. Nhiều khi Thiên thấy nản, cuộc sống cứ như vậy rồi sẽ đi về đâu? Chuông điện thoại reo làm Thiên giật mình:


- A lô, ba đến nơi chưa ạ? Dạ, con ra ngay đây.


Thiên đứng lên, trả tiền cà phê rồi đến bến xe đón ba.


Từ ngày Thiên đi làm, nếu không có việc gì bận đột xuất thì cuối mỗi tháng ba lại lên thăm anh. Mỗi lần lên, ông lại mang rất nhiều rau quả cho con. Ba mẹ Thiên ở quê vườn đất rộng, chăn nuôi được con heo, con gà, trồng đủ các loại rau củ, đảm bảo sản phẩm sạch cho cả gia đình. Mấy anh chị Thiên ở gần cũng chẳng khi nào phải mua rau ở chợ. Lần nào lên, ba Thiên mang rất nhiều thứ: con gà làm sẵn, mớ cá kho khô, dưa muối, rau xanh năm bảy loại, trái cây, mùa nào thức ấy nhưng nhiều nhất vẫn là chuối… Lần nào Thiên cũng chia bớt cho mấy chị em công nhân xóm trọ ít rau củ, cây trái. Thiên ở một mình cũng ăn không hết, có bữa đi làm về muộn, làm biếng nấu lại tạt qua hàng quán ăn vội tô gì đó rồi về nghỉ.


- Bác Tư lại lên tiếp tế cho cậu Thiên đấy à?


- Vâng, chào cô! Lâu lâu lên xem nó ăn ở ra sao, mang thêm chút đồ nhà làm được. Vừa rẻ, vừa đảm bảo an toàn cô ạ. Thanh niên, lại ở một mình nên nó làm biếng, ăn uống không ra sao rồi bệnh nữa.


- Bác ơi, chúng cháu có quà không vậy?


- Có đây. Bà nhà tôi có gửi lên ít rau với quả mít chín cây cho các cô đây này.


Mấy cô gái xúm xít ùa vào cảm ơn rồi mang rau quả về phòng, trả lại cho ba con Thiên không gian yên tĩnh.


* * *


Hai tháng nay, hàng công ty bị ứ, không xuất ra thị trường được. Công nhân bị cho nghỉ việc cả tuần. Thiên cũng vậy. Thời gian nghỉ bất đắc dĩ, Thiên định chiều sẽ về nhà thăm ba mẹ nhưng chuyện sáng nay nghe được ở quán cà phê đầu hẻm trọ khiến anh ở lại. Mới vừa đặt chân vào quán, Thiên đã nghe mọi người bàn tán chuyện toàn bộ công nhân của một phân xưởng trong công ty may X bị ngộ độc thức ăn. Người thì nói do rau củ, người lại bảo do thịt cá…


Thiên ngồi trầm ngâm nghe mọi người bàn tán. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong anh. Mấy ngày sau, Thiên dành thời gian la cà các khu chợ, tìm hiểu thị trường thực phẩm. Anh nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng thực sự rất cao. Các kênh thông tin luôn đưa tin về an toàn thực phẩm, rau ngâm chất kích thích, hoa quả ngâm hóa chất, thịt cá được phù phép từ ươn thối thành tươi ngon... làm cho mọi người khát đồ quê sạch. Sau bao toan tính, đắn đo, Thiên quyết định sẽ về quê làm nông! Dù sao công việc của Thiên cũng không có gì đảm bảo, khi làm thì áp lực, khi thì bị cho nghỉ không lương dài dài. Nói chuyện này với mọi người, ai cũng nói Thiên dở hơi, đang công việc yên lành trên phố lại đòi về quê. Đến ba mẹ Thiên cũng rất lo lắng khi biết ý định của con trai. Đồng đất thì có sẵn rồi đấy nhưng liệu có thuận lợi không?

* * *


- Anh Thiên, anh Thiên ơi.


Tiếng gọi hoảng hốt của Thanh khiến Thiên đang nằm dài trong căn phòng nhỏ bật choàng dậy chạy ra. Thanh đang dìu chị Liên đã oặt người mềm nhũn, anh Quân mặt tái nhợt nhạt gượng bế cu Tít đã lả trên tay. Xóm trọ nhốn nháo. Thiên vội gọi xe cấp cứu đưa gia đình họ vào bệnh viện.


- Bác sĩ, anh chị ấy và cháu bé sao rồi ạ!


- Cô cậu là người nhà của bệnh nhân à? Ăn uống bậy bạ kiểu gì mà để đến như vậy! May mà đưa vào kịp đấy. Súc ruột xong, không còn đáng lo nữa. Hai người lớn đã tỉnh rồi đấy. Thằng bé cũng ổn rồi nhưng còn yếu lắm.


Thanh thở dài:


- Sáng nay em thấy chị Liên khoe đi chợ mua được ký mướp đắng to mà rẻ. Trưa nay làm canh mướp nhồi thịt. Chắc mướp bị ngâm thuốc quá anh ơi.


Thiên lặng im, ý muốn về quê nuôi trồng lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Anh chấp nhận mất một hai năm đầu để học hỏi, tìm hiểu các cách nuôi trồng hiệu quả, đảm bảo. Thiên sẽ là anh nông dân cung cấp mặt hàng nông sản sạch cho mọi người. Thiên nhớ có lần đọc được ở đâu đó câu: Chỉ có những suy nghĩ bứt phá mới tạo nên những thay đổi tuyệt vời. Anh mỉm cười, dự định sẽ bỏ phố về quê khi vợ chồng anh Quân xuất viện.


. Truyện ngắn của Trương Thị Thúy