11:06, 01/06/2018

Thác đá mùa khô...

Từ thành phố, đi ngược lên phía bắc chừng gần trăm kilômét, ta có thể gặp núi rừng và những ngọn thác. Thác đã từng có những ngày kiêu hùng tuôn chảy réo gào giữa đại ngàn xanh thẳm, nơi hoang sơ chỉ có đất với trời.

Từ thành phố, đi ngược lên phía bắc chừng gần trăm kilômét, ta có thể gặp núi rừng và những ngọn thác. Thác đã từng có những ngày kiêu hùng tuôn chảy réo gào giữa đại ngàn xanh thẳm, nơi hoang sơ chỉ có đất với trời. Khi những cơn mưa dần thưa thớt, cây cỏ thay màu và rừng vào mùa chín, thì dòng thác dần nhỏ lại như một tiếng thở chỉ còn vọng lại trong lồng ngực gầy gò. Những tảng đá bên bờ nằm phơi mình giữa nắng mùa khô nỏ. Làn gió ngàn thổi về không còn tung bay bụi nước, mà chạy dài dọc triền đá xám lô xô. Nghe gió thổi, ngắm vầng rêu trên vách, khẽ đưa bàn tay hứng những hạt bụi nước trên cao mà lòng quắt quay câu gọi: “Ơi thác lũ cuộn trào sôi sục! Nay đã về đâu trong xa hút chân trời?”.


Thác ở cách nhà em có một khoảng đường rừng. Xuyên qua vạt rẫy là đến. Ngày trước ở đây còn rậm rạp lắm. Những gốc cây lớn bé cùng các loại dây leo chằng chịt quấn quýt. Mỗi lần vào thác là phải vừa đi vừa gạt cành, vén lá mới đi qua được. Em rời nhà đi học ở xa, mấy năm sau quay về mà thấy như lạ như quen. Con đường đất ngoằn ngoèo bò trên triền núi nay đã mở rộng, thảnh thơi giữa hai dãy núi và khoảng rừng cao su mới trồng được vài năm. Chỗ tảng đá lớn ngày xưa em thường ngồi nghỉ sau đoạn đường đi bộ tới lớp học, giờ đã là một ngã ba rộng. Ở đó có một người đang bồn chồn ngóng đợi đón ai. Ánh nắng ban trưa đổ cái bóng tròn vo nơi chân mà người vẫn chưa về, cứ dõi mắt nhìn về phía chân dốc xa xa. Không hiểu sao em lại thấy xúc động. Không biết vì dáng chờ khắc khoải ấy hay vì gặp lại cảnh đất trời rộng lớn này đã từng thấm vào trong hơi thở và nuôi em lớn lên từ thuở bé thơ? Con đường vào nhà em vẫn là lớp đất bột mịn màng. Nghe tiếng bước chân “phụp phụp” khi sa vào một hố trũng, dấu vết của bánh xe cày chở ống tưới nước cho rẫy cà phê mà lòng dội lên một tiếng cười ngộ nghĩnh. “Lâu lắm rồi mới về nhà. Ta không tức giận mi đâu”. Mẹ đón em nơi gốc điều đầu ngõ, tán lá xanh điểm những quả chín đỏ tươi. Đôi quả rụng lăn lóc rơi trên mặt đất, có những chú ong nhỏ xíu đang vo ve bay đi bay lại bên cái bọng tổ gác trên chạc ba. Người khách nơi xa đến thăm nhà, bất chợt cuống quýt phủi tay trên áo. Té ra có vài chú ong đã tặng cho một mũi chích buốt như kim châm. Người ấy giờ đã theo người về thành phố, nơi xa xôi và nhịp sống dồn dập xô bồ. Vết nhỏ ong châm kia cũng đã mờ dần và không hề làm sẹo, chắc gì người đã nhớ những kỷ niệm về rừng trong một ngày nắng gió hanh hao.


Mùa khô ở đâu ngoài kia chứ không hề bén đến khoảng gần chân thác. Cả một khoảng đất trống mọc rất nhiều hoa xuyến chi. Những bông hoa nhỏ như những chiếc nút áo, phô năm cánh trắng mỏng manh khuôn lấy cái đài xinh xinh lấm tấm nhụy vàng. Em đã cười dài khi anh nắm tay em dắt qua nơi ấy. Chúng mình đi giữa thảm hoa mộc mạc và bình dị thân thương. Anh muốn kết một vòng hoa và đội lên đầu em, nhưng em nói hãy cứ để hoa được sống hết đời hoa, được reo ca giữa chan hòa nắng gió. Còn em, dẫu không đội vương miện hay quyền trượng thì vẫn là công chúa, nữ hoàng trong anh và chỉ với riêng anh. Chúng mình cùng cười vui trong tiếng gió thổi từ phía bìa rừng ào tới. Nụ hôn của nắng khiến má em hồng lên và ánh mắt lấp lánh niềm hạnh phúc khi đôi mình được đi bên nhau giữa hương thơm của cỏ cây hoa lá, của bao la trời đất xung quanh.


Vượt qua khoảng rẫy cà phê, rồi lại một vạt điều đang mùa chín trái, anh và em cùng thăm lại con thác ngày xưa. Không có nước tuôn, thác giống như tráng sĩ đã trút bỏ lớp áo cánh bên ngoài, đang phô diễn thân thể cường tráng của mình qua những tảng đá lớp này chồng lên lớp khác và những khúc gỗ gộc cây ngổn ngang trong lòng. Mắt người vừa chớm mỏi vì màu xám lạnh uy nghi của đá thì dịu lại ngay khi gặp những mảng rêu lấm tấm xanh xanh. Rêu không reo ca mỗi khi có gió ào qua, rêu cũng không bung nở hoa cho mùa xuân thêm thắm. Rêu chỉ lặng thầm dâng chút màu xanh khiêm nhường nơi gốc đá, gộc cây. Cùng với lá, với hoa, và cả với các động thực vật khác, rêu đã cống hiến hết mình cho thác lũ mùa khô. Rêu gợi nhớ đến thác của những ngày mưa lũ, ào ạt đổ xuống từ trên đỉnh những gộp đá cheo leo.


Rồi cũng đến ngày em phải về nơi đang học tập. Bước chân em tần ngần nơi đầu ngõ. Nhặt một trái điều chín đỏ tươi vừa rơi trên mặt đất, em cất vào ba lô như muốn mang theo chút dấu ấn quê nhà. Rồi đây ở nơi ấy, em sẽ miệt mài học tập, để một ngày nhanh quay trở lại quê nhà, đem những điều mình học được giúp ích cho bà con khắp làng trên buôn dưới, cho người thân và cả những mùa thác lũ vẫn hằng ghi nhớ trong tim. Anh sẽ lại chờ em nơi ngã ba đầu dốc, như người nào kia đã đợi ai hôm đó, phải không anh?


Bích Thiêm