10:06, 03/06/2022

Trăn trở giữ gìn lễ hội truyền thống

Những năm qua, hoạt động phục dựng, thực hành các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được các địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa tích cực thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở để các lễ hội thực sự có sức sống trong cộng đồng.

Những năm qua, hoạt động phục dựng, thực hành các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa tích cực thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở để các lễ hội thực sự có sức sống trong cộng đồng.


Nhiều nỗ lực bảo tồn


Huyện Khánh Vĩnh là nơi cư trú của 28 DTTS, trong đó đồng bào Raglai có số lượng lớn nhất, các DTTS khác như T’rin, Ê đê cũng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số của huyện. Đồng bào các DTTS huyện Khánh Vĩnh vốn có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, nhất là các lễ hội mang tính chất gắn kết cộng đồng dân cư. Những năm qua, huyện đã kiên trì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ định kỳ hàng năm, nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống mang tính đặc thù được duy trì, tái hiện. Các lễ hội truyền thống như: Lễ cưới, lễ ăn mừng lúa - bắp mới, lễ mừng nhà mới, lễ bỏ mả của dân tộc Raglai; lễ cưới của đồng bào T’rin; lễ bỏ mả, lễ cúng bến nước của dân tộc Ê đê; hội tung còn của dân tộc Tày… được tâp trung tái hiện.

 

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn tái hiện lễ ăn mừng lúa mới.

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn tái hiện lễ ăn mừng lúa mới.


Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, địa phương có 21 DTTS sinh sống, trong đó nhiều nhất là đồng bào Ê đê. Trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Ê đê, lễ cúng bến nước là lễ hội nổi bật nhất, được đồng bào ở các thôn Buôn Lác, Buôn Sim, Buôn Đung (xã Ninh Tây) tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Lễ hội được diễn ra theo phong tục truyền thống của địa phương. Năm 2020, lễ cúng bến nước của đồng bào Ê đê xã Ninh Tây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn tái hiện trong triển lãm Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam, diễn ra tại TP. Hà Nội.


Ở huyện Khánh Sơn - nơi đồng bào Raglai chiếm tỷ lệ hơn 70,5% dân số, nhiều hoạt động duy trì, tái hiện các lễ hội truyền thống đã được địa phương thực hiện. Qua đó, các lễ hội dân gian như: Lễ cưới, lễ ăn mừng lúa mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ bỏ mả… được phục dựng và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Hiện nay, lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Huyện cũng đang tiến hành các bước để tiếp tục đề xuất đưa vào danh mục kiểm kê, tiến tới đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tiêu biểu đối với lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào Raglai.


Để lễ hội phát huy giá trị hơn


Việc phục dựng, duy trì, bảo tồn các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được xem là giải pháp đem đến lợi ích nhiều mặt trong công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Thông qua việc tổ chức các lễ hội, đồng bào DTTS huyện Khánh Vĩnh có dịp để thực hành hòa tấu các nhạc cụ dân tộc cồng chiêng, kèn đinh năm, đinh chót, kèn salakhen; hát các làn điệu arai, ma diêng, xú ri, hát then… Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây, mỗi lần diễn ra lễ cúng bến nước là một lần được xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống và hòa mình vào thanh âm rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng, những câu hát giao duyên mượt mà, những câu chuyện sử thi hào hùng và điệu múa xoang nhịp nhàng. Cũng với ý nghĩa tương tự, mỗi lần diễn ra các lễ hội, đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn lại có dịp được nghe tiếng đàn đá ngân nga, tiếng mã la trầm hùng, lời hát kể sử thi đầy mê hoặc.


Dẫu vậy, vẫn còn nhiều mối băn khoăn đối với các địa phương trong việc giữ gìn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS. Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, địa phương có đề ra chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và không quá 10 hộ/năm để tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên, theo người dân, mức hỗ trợ này vẫn thấp, nên không có nhiều người mặn mà nhận để thực hiện các lễ hội vì những lý do khác nhau. Một số lễ hội được đồng bào tổ chức nhưng nghi thức, nghi lễ, món ăn đã không còn giữ được những nét văn hóa truyền thống.


Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng việc phục hồi và phát huy văn hóa truyền thống, nhất là việc tổ chức các lễ hội của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện hiệu quả vẫn chưa cao. Chúng ta vẫn chưa khai thác, phát huy được đầy đủ nét độc đáo, bản sắc riêng và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào; chưa chú ý phát huy tính chủ động của người dân với vai trò là chủ thể văn hóa của cộng đồng.


Một nỗi băn khoăn khác đó là cuộc sống của các hộ dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, vậy nên, việc nhận thức và tham gia hành động bảo tồn lễ hội truyền thống của dân tộc mình chưa được đồng bào quan tâm, vẫn còn xem đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất như: nhà cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa vẫn còn nhiều thiếu thốn, bất cập. Có nơi chưa có các thiết chế văn hóa này; có nơi đã có thì trang thiết bị không đầy đủ hoặc thiết kế, vật liệu xây dựng không phù hợp với truyền thống của đồng bào nên cũng không phát huy tác dụng. Để hoạt động giữ gìn lễ hội nói riêng và các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS nói chung đạt được hiệu quả, mang tính bền vững và thực sự có sức sống trong đồng bào, đòi hỏi chúng ta cần triển khai những giải pháp đồng bộ, liên tục.


Giang Đình