11:06, 14/06/2022

Đụng vào hoài niệm...

Nha Trang đang tiến hành chỉnh trang công viên biển, người ta chặt bỏ một số cây dừa già cỗi, sâu bệnh, thay bằng những cây mới trồng. Dư luận dẫu không phản ứng mạnh như những lần chỉnh trang, chặt cây trên đường Lý Tự Trọng, Pasteur…nhưng cũng đầy những tâm tư, ngậm ngùi tiếc nuối cho những hàng dừa lão đã quá quen thuộc với mọi người.

Nha Trang đang tiến hành chỉnh trang công viên biển, người ta chặt bỏ một số cây dừa già cỗi, sâu bệnh, thay bằng những cây mới trồng. Dư luận dẫu không phản ứng mạnh như những lần chỉnh trang, chặt cây trên đường Lý Tự Trọng, Pasteur…nhưng cũng đầy những tâm tư, ngậm ngùi tiếc nuối cho những hàng dừa lão đã quá quen thuộc với mọi người.

 

<p style=

Ảnh minh họa: N.D


Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy, thành phố Nha Trang hình như chỉ có duy nhất công viên biển. Một số gọi là công viên trong nội đô thực ra chả đáng, vì diện tích mấy trăm mét vuông. Do vậy, một động thái dù nhỏ nhất với công viên biển cũng được dư luận quan tâm. Đó là sự quan tâm chính đáng của những người yêu biển, yêu Nha Trang.


Những người tiếc hàng dừa lão không tin vào lý giải của phía chính quyền, rằng chỉ chặt bỏ những cây dừa lâu năm, thân có khả năng bị mục, quá cao để mà chăm sóc, tỉa lá khô, hoa khô… có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Họ chỉ tiếc hàng dừa có từ trước ngày Nha Trang giải phóng, tha thướt đứng đó cho bao nhiêu nghệ sĩ ghi lại những hình ảnh thật đẹp về biển Nha Trang. Những thân dừa lão khẳng khiu, có cây nghiêng rạp về một hướng, chắc là hậu quả của một trận bão nào đó… đã được các nghệ sĩ lưu giữ qua những khung hình nổi tiếng, trở nên quen thuộc, quen mắt và neo giữ trong ký ức bao nhiêu thế hệ người Nha Trang.

 

Vẫn biết giống dừa không phải loại cây cổ thụ, tồn tại mãi với thời gian. Trong Nam Bộ, ở các vườn dừa người ta vẫn tỉa các cây già cỗi để làm ván, làm đồ mỹ nghệ, làm đũa… nhường đất cho cây dừa mới cho trái nhiều hơn. Thế nhưng đụng vào những cây dừa quen thuộc ở công viên biển, nơi ta đi dạo hàng ngày, tắm biển hàng ngày… thấy có gì như mất mát. Đó là thói quen, phản xạ của tình cảm con người rất phổ biến, bởi đụng vào những cây dừa ấy là đụng vào ký ức.

 

Nhớ những năm trước, khi tiến hành chặt hàng xà cừ để chỉnh trang đường Lý Tự Trọng, dư luận đã phản ứng dữ dội như thế nào. Rồi sau này chỉnh trang đường Pasteur, lãnh đạo tỉnh sợ phản ứng tương tự nên ra lệnh phải giữ nguyên hàng xà cừ. Con đường Pasteur sau khi chỉnh trang trông thật tức cười. Bên con đường chính là dải phân cách để giữ chỗ cho hàng xà cừ đã bị cắt cụt ngọn, bên kia là làn đường nhỏ cho xe thô sơ… Rồi cái giải pháp cầu hòa ấy sau một trận mưa bão, mấy cây xà cừ bật gốc, thế là Nhà nước cho ủi thẳng, đường Pasteur mới có hình hài như hiện nay. Rồi những hàng cây hai bên đường thay thế bắt đầu khép tán, dư luận cũng quên đi, hàng xà cừ xa xưa kia chỉ còn trong hoài niệm.


Cuộc sống luôn như một dòng sông tiến về phía trước. Vùng đất này đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh. Trong quá trình chỉnh trang đô thị sẽ có nhiều thứ vốn đã quá quen thuộc với bao người phải được thay thế, cho dẫu có đụng chạm vào ký ức của bao thế hệ. Những hàng xà cừ ở đường Pasteur, Lý Tự Trọng, những cây bàng cổ thụ trước Bảo tàng tỉnh, nhà ga đường sắt Phú Vinh… những nhân chứng trăm năm của thành phố nhỏ đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ, trở thành một phần ký ức bao người, khi phải nhường chỗ cho tương lai, bảo sao lòng người không vấn vương?


Biết là vậy, nhưng người ta không ai có thể sống bằng hoài niệm, mà sống cho ngày nay và hướng đến tương lai. Rồi những cái mới sẽ dần trở nên quen thuộc, gắn bó, lại một phần ký ức mới hình thành.


Thủy Ngân