09:10, 01/10/2021

Khúc hát người bác sĩ trong mùa dịch

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, chợt vang đâu đó giai điệu trầm lắng, thiết tha nhưng đầy nghị lực, ý chí con người: "Rồi mình sẽ đi qua, mùa bão giông khép mắt… Rồi mình sẽ đi qua, những lưng áo ướt đẫm, những đớn đau mất mát. Những nụ cười buồn lặng và tiếng khóc trong tim… Rồi mình sẽ qua đi để sớm về với nhau"… Đó là lời bài hát có tên "Rồi mình sẽ đi qua" của bác sĩ Tôn Thất Toàn (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, chợt vang đâu đó giai điệu trầm lắng, thiết tha nhưng đầy nghị lực, ý chí con người: “Rồi mình sẽ đi qua, mùa bão giông khép mắt… Rồi mình sẽ đi qua, những lưng áo ướt đẫm, những đớn đau mất mát. Những nụ cười buồn lặng và tiếng khóc trong tim… Rồi mình sẽ qua đi để sớm về với nhau”… Đó là lời bài hát có tên “Rồi mình sẽ đi qua” của bác sĩ Tôn Thất Toàn (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

 


Bản nhạc lay động người nghe vì những nét nhạc sâu lắng, nhẹ nhàng, chất chứa nhiều điều muốn nói về hoàn cảnh của bao người đang chống chọi với dịch bệnh, trong đó có cả đội ngũ tuyến đầu chính là các y, bác sĩ. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, tình cờ đọc những đoạn thơ giàu hình tượng của các nhà thơ: Lê Minh Khôi, Nhật Chiêu và Nguyễn Lương Hiệu đăng trên báo Tuổi trẻ tháng 9-2021, anh đã ráp nối những đoạn thơ tâm đắc để phổ thành bản nhạc này. Bản nhạc được dàn dựng công phu, trau chuốt từ ca từ tới nốt nhạc. Trước đó, cũng có một bản nhạc đậm chất “nghề y” có tên: Khúc hát người kiểm soát dịch bệnh được cộng đồng khối y tế hát vang ở các chương trình văn nghệ, buổi giao lưu của các chiến sĩ ngành y. Đó chính là những món quà của anh dành tặng các đồng nghiệp của mình.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn vốn là người gốc Huế. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế đầu thập niên 90, anh trở lại Nha Trang làm việc. Thời trai trẻ, anh tham gia công tác đoàn, phụ trách truyền thông mảng y tế, đặc biệt lĩnh vực bảo vệ sức khỏe sinh sản và HIV. Sau này về lại với ngành Y tế, anh tiếp tục làm công tác truyền thông, tuyên truyền cho cộng đồng phòng, chống dịch bệnh… Ngay từ khi còn là sinh viên, anh đã bộc lộ tình yêu và năng khiếu với âm nhạc. Với vốn liếng tự học và bổ túc, anh liên tục sáng tác những bản nhạc như: Nhặt (bài hát được vào vòng chung kết giải Mai Vàng năm 2013), Bà mẹ Tổ quốc (giải ba cuộc thi âm nhạc kỷ niệm 70 chiến thắng Stanigrad 1943-2013 do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và TP. Volgagrad tổ chức). Các chiến sĩ ở Trường Sa hẳn vẫn nhớ bài hát Máu thiêng Trường Sa của anh được Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa dàn dựng gây xúc động mạnh mẽ với công chúng với giai điệu vừa hùng tráng, vừa thiết tha tràn đầy tự hào…


Có lẽ do vốn là người con gốc Huế thơ mộng nên những bản nhạc của Tôn Thất Toàn luôn có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu chất tự sự và cảm xúc tình yêu quê hương xứ sở nơi tác giả sống. Một số bài hát có phong cách rất tình cảm của anh như: Chạm vào trái tim, Dòng sông một bờ, Nhặt, Tưởng, Tạm biệt Khánh Hòa, Hãy giữ biển yến… Tất cả những bài hát này đều được giới âm nhạc đánh giá cao về chất lượng chuyên môn. Cái rất riêng và độc đáo trong âm nhạc của Tôn Thất Toàn là anh phổ thơ rất khéo, như bài Tưởng anh phổ từ nền thơ của “Mặt trời thi ca Nga” - Puskin và nhà thơ Việt Hồ Thị Cúc, bài hát có lời ca rất sâu sắc... Đến nay, anh đã sáng tác được hơn 30 ca khúc đủ các đề tài.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn chia sẻ, trong phòng làm việc hay ở nhà anh luôn có cây đàn ghi-ta. Những lúc cần thư giãn, anh chơi những bản nhạc mình thích, đọc thơ và viết nhạc. Đó là không gian rất riêng, là khoảnh khắc đậm chất nghệ sĩ của người bác sĩ trỗi dậy, dâng lên như một miền sâu thẳm của tâm hồn. Với anh, âm nhạc thực sự là người bạn tuyệt vời để giúp anh làm mới mình trong cuộc sống và công việc, cũng như đem đến cho công chúng những bản nhạc tràn đầy yêu thương và sâu lắng.


Dương Trang Hương