12:09, 02/09/2021

Con đường độc lập qua ngôn ngữ hội họa

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức triển lãm trực tuyến với chủ đề "Con đường độc lập" tại địa chỉ https://vnfam.vn và trên fanpage của bảo tàng. Thông qua đó, công chúng có dịp cảm nhận thêm về ngày độc lập của dân tộc qua những tác phẩm của các họa sĩ tài danh.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức triển lãm trực tuyến với chủ đề “Con đường độc lập” tại địa chỉ https://vnfam.vn và trên fanpage của bảo tàng. Thông qua đó, công chúng có dịp cảm nhận thêm về ngày độc lập của dân tộc qua những tác phẩm của các họa sĩ tài danh.


18 bức tranh vẽ một chặng đường cách mạng


Triển lãm giới thiệu 18 bức tranh thuộc các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, khắc gỗ… của 15 tác giả và nhóm tác giả. Những tác phẩm này như một bản tóm tắt bằng ngôn ngữ hội họa về chặng đường cách mạng 15 năm, từ năm 1930 đến thời khắc lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.

 

Tác phẩm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập của họa sĩ Nguyễn Dương  được giới thiệu tại triển lãm. (Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Tác phẩm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập của họa sĩ Nguyễn Dương được giới thiệu tại triển lãm. (Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)


Mở đầu triển lãm, công chúng được quay về với những ngày đất nước còn chìm trong ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Từ trong đêm đen đó, những ngọn lửa của ý chí độc lập dân tộc ngày càng lớn dần lên qua năm tháng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã dẫn dắt toàn dân tộc bước vào con đường đấu tranh cách mạng; tạo nên sức mạnh đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhân dân cùng hướng về mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Thể hiện cho tinh thần đó là các tác phẩm tranh sơn mài Họp công hội đỏ (họa sĩ Huỳnh Văn Gấm); Từ trong bóng tối (họa sĩ Lê Quốc Lộc) gợi nhớ về những hoạt động cách mạng của giai cấp công nông.


Tiếp theo đó, hàng loạt phong trào đấu tranh cách mạng liên tiếp nổ ra đều được thể hiện dưới nét vẽ của các họa sĩ. Chúng ta có thể thấy được hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện trong phong trào đấu tranh chống sưu thuế của nông dân Trung Kỳ qua tranh sơn mài Nông dân đấu tranh chống thuế của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng được khắc họa thông qua tác phẩm của nhóm tác giả Phạm Văn Đôn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Đức Nùng, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Nguyễn Văn Tỵ và tác phẩm trên chất liệu khắc đồng đen của họa sĩ Đường Ngọc Cảnh. Những phong trào cách mạng khác cũng được miêu tả sống động, chân thực qua các tác phẩm: Du kích Bắc Sơn về bản Pình (họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ); Nam Kỳ 1940 (họa sĩ Huỳnh Văn Gấm) kể lại khúc tráng ca hào hùng của khởi nghĩa Nam Kỳ.


Tái hiện những thời khắc lịch sử


Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về nước là một sự kiện quan trọng đối với lịch sử cách mạng nước ta, với toàn thể dân tộc Việt Nam. Từ đây, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc dần hoàn chỉnh, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân và có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh trong giai đoạn này đã được các họa sĩ tìm kiếm những cách thể hiện gần gũi, dung dị, chứa đựng tình cảm, lòng biết ơn chân thành nhất. Ở đó, chúng ta thấy được sự đa dạng về phong cách sáng tác, chất liệu thể hiện. Có thể kể đến các tác phẩm: Mùa xuân Bác về Pắc Bó (tranh bột màu của họa sĩ Dương Tuấn); Chú Thu (tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn An); Bác Hồ đi công tác (tranh lụa của họa sĩ Trần Đình Thọ); Nước nguồn (tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm).


Đến cao trào cách mạng tháng Tám, khi thời cơ đến, mọi tầng lớp nhân dân đã cùng nhau đoàn kết đứng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Để đến ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những thời khắc lịch sử đó đã được tái hiện đầy sinh động và giàu cảm xúc qua những bức tranh: Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (họa sĩ Nguyễn Đức Nùng); Mùa thu năm ấy (họa sĩ Vũ Duy Nghĩa); bức phác thảo Cách mạng Tháng 8 (họa sĩ Huy Toàn); Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập (họa sĩ Nguyễn Dương).


Có thể thấy, dấu ấn về hành trình đi đến ngày độc lập của dân tộc ta đã được các họa sĩ thể hiện một cách trực quan, chân thực, sinh động. Những tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm tuy chỉ chiếm số ít trong kho tàng tác phẩm mỹ thuật về cách mạng, về ngày độc lập của dân tộc, nhưng đã góp phần gửi tới công chúng hôm nay, nhất là thế hệ trẻ câu chuyện lịch sử của dân tộc Việt Nam. Từ đó, khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc, sự trân trọng đối với những thành quả của bao lớp cha ông để lại...


Giang Đình