10:08, 31/08/2021

Tình Bác sáng đời ta

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 với những ca khúc: Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng giang… được các tầng lớp nhân dân yêu nước, đặc biệt là thanh niên hết sức mến mộ. 

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 với những ca khúc: Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng giang… được các tầng lớp nhân dân yêu nước, đặc biệt là thanh niên hết sức mến mộ. Nhạc của ông là những khúc tráng ca, có tính hiệu triệu, khơi gợi lòng yêu nước… Trong kháng chiến chống Mỹ, nhạc của ông thực sự bùng nổ, tạo tiếng vang lớn trong nhân dân, chiến sĩ như: Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn… Viết về Bác Hồ, Lưu Hữu Phước có bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch (lời Nguyễn Đình Thi) và Tình Bác sáng đời ta.


Bản nhạc nổi tiếng Tình Bác sáng đời ta được nhạc sĩ sáng tác năm 1969. Khi nghe tin Bác Hồ mất, khi đó Lưu Hữu Phước đang hoạt động ở vùng giải phóng Nam Bộ. Cùng thời điểm đó có chàng thi sĩ quê Tiền Giang Diệp Minh Tuyền cũng vừa “xếp bút nghiên” giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào miền Nam. Diệp Minh Tuyền có một bài thơ nhỏ đưa cho Lưu Hữu Phước xem, nhạc sĩ nảy ra giai điệu và bàn bạc với Diệp Minh Tuyền cùng nhau sáng tác một bản nhạc mang âm hưởng của miền Nam. Bản nhạc ấy phải là khúc tráng ca hào hùng nhưng lại thiết tha tràn đầy cảm xúc kính yêu: Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác. Hồn ta sáng rực như nở hoa. Còn chi cao quý hơn độc lập tự do. Lời Người vang vang gió xuân đưa về khắp mọi nhà. Ngay từ khúc mở đầu nét nhạc đã hào sảng, tha thiết trìu mến nhưng đầy lạc quan khí thế cách mạng. Tiếp theo, bản nhạc được đẩy cao khát vọng và ước mơ: Ôi thiêng liêng tiếng Bác như lời Tổ quốc. Xuyên đêm tối dắt đường ta tiến bước. Cho mưa tuôn, cho bom rơi  dẫu có chết ta cũng chẳng sờn. Lời Bác chiếu lòng ta huy hoàng. Một bài hát ca ngợi lãnh tụ gọn gàng, khúc chiết và đậm chất miền Nam nên có chỗ đứng riêng biệt so với rất nhiều bản nhạc ca ngợi Bác trong thời điểm đó.

 


Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục kể lại, sau khi hoàn chỉnh bản nhạc, Ban Văn nghệ Giải phóng đã mã hóa từng dòng nhạc, lời ca gửi qua vô tuyến ra Hà Nội. Bản nhạc được chuyển đến Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng thu âm và ca sĩ đầu tiên được vinh dự hát là Quốc Hương, sau này có Trung Kiên, Thanh Đính - những giọng tenor lẫy lừng biểu diễn. Thật kỳ diệu ai trình diễn cũng hay, cũng đi vào lòng người. Qua làn sóng điện của đài, lời ca, giai điệu được vang khắp mọi miền đất nước và thế giới. Với đồng bào, chiến sĩ miền Nam mỗi khi bài hát vang lên, nhiều người không giấu được cảm xúc vừa tự hào vừa nhớ thương Bác, sẵn sàng tiến lên giải phóng quê hương như niềm mong mỏi của Bác. Từ đó đến nay, bản nhạc luôn được trình diễn trong nhiều thời điểm trọng đại của đất nước.


Chúng ta cũng phải nhắc đến tác giả lời ca: Nhà thơ Diệp Minh Tuyền, khi đó chưa tròn 30 tuổi mà đã làm được bài thơ hay, cùng với nhạc sĩ bậc thầy hoàn chỉnh lời ca (bài hát có 3 lời ca) như một trường ca với những câu thơ đặc sắc, khúc chiết và bay bổng. Chính từ thành công này mà sau này Diệp Minh Tuyền tuy đã thành nhạc sĩ của những bản nhạc nổi tiếng: Hát mãi khúc quân hành, Cánh hoa lưu ly, Tình cờ, Chỉ một mình em thì ông vẫn làm thơ và có nhiều bài được phổ nhạc như: Mùa chim én bay, Con đường có lá me bay, Màu cờ tôi yêu… Ông mất năm 1997 ở TP. Hồ Chí Minh.     

                                      
Dương Trang Hương