09:07, 30/07/2021

Trong nỗi nhớ Ama Sang…

Cho đến bây giờ, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vẫn còn nhiều người nhắc đến Ama Sang bằng tình cảm sâu đậm, chân thành và lòng biết ơn về những gì ông đã làm trong những tháng ngày cơm đùm, cơm nắm, lặn lội xuống các buôn làng để tìm hiểu, góp phần khôi phục những giá trị văn hóa đa sắc màu tiềm ẩn ở vùng đất này.

Cho đến bây giờ, đồng bào Raglai ở Khánh Sơn vẫn còn nhiều người nhắc đến Ama Sang bằng tình cảm sâu đậm, chân thành và lòng biết ơn về những gì ông đã làm trong những tháng ngày cơm đùm, cơm nắm, lặn lội xuống các buôn làng để tìm hiểu, góp phần khôi phục những giá trị văn hóa đa sắc màu tiềm ẩn ở vùng đất này.


Ama Sang là cách gọi quý trọng của người Raglai dành cho nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Thế Sang. Ông sinh năm 1933 tại Phú Yên; tham gia cách mạng rất sớm rồi đi tập kết ra Bắc, làm việc trong ngành bảo tàng của quân đội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về Nam công tác, làm việc trong ngành Văn hóa thông tin tỉnh Phú Khánh (sau này là ngành Văn hóa thông tin Khánh Hòa).

 

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn đánh nhạc cụ mã la  và hát sử thi Akhat Jucar. (Ảnh chụp năm 2018). Ảnh: NHÂN TÂM

Đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn đánh nhạc cụ mã la và hát sử thi Akhat Jucar. (Ảnh chụp năm 2018). Ảnh: NHÂN TÂM


Vốn đam mê nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc nên ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, giới thiệu các di sản văn hóa tại địa phương. Nhiều công trình do ông biên soạn đã được công bố và nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong đó, có những công trình liên quan đến vùng đất Khánh Hòa như: Di tích danh thắng Phú Khánh (Nhà xuất bản Phú Khánh, năm 1988), Ponagar Nha Trang và sự tích Thiên Y Ana (1994), Văn hóa phi vật thể Khánh Hòa (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 1999), Trò chơi dân gian ở Phú Yên - Khánh Hòa… Ông là một trong những người sáng lập Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa và từng được nhận giải thưởng 25 năm văn học nghệ thuật Khánh Hòa (1975 - 2000).


Riêng về văn hóa của người Raglai ở Khánh Sơn, sau nhiều chuyến công tác, ông phát hiện ở đây tồn tại một di sản khá đồ sộ và đa dạng. Tuy vậy, mãi đến những năm cuối của thập niên 1980, ông mới có thời gian bắt tay vào nghiên cứu. Hồi ấy, đất nước còn khó khăn, nhưng ông đã tự thực hiện nhiều chuyến đi dài ngày tới hết buôn làng này đến buôn làng khác tìm hiểu, ghi âm, ghi chép. Cũng từ đây, không ít công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian dân tộc Raglai ở Khánh Hòa của ông đã ra đời và nhận được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam như: Bước đầu khảo sát folklore Raglai (năm 1988), Truyện cổ Raglai (1993), Chữ viết tiếng Raglai với việc bảo tồn văn hóa dân gian Raglai (1997), Những bản nhạc trên từng nhạc cụ Raglai (1988),  Udai Ujac (1999), Tục ngữ, thành ngữ, câu đố Raglai (2001), Luật tục Raglai (2001)... Riêng công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch bộ sử thi Akhat Jucar Raglai (thực hiện chung với Chamaliaq Riya Tiẻnq) năm 1988 được tặng thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Cuối năm 2002, công trình này đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải A cho thể loại nghiên cứu văn hóa dân gian.


Từ thị trấn Tô Hạp đến các xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp…, không nơi nào ông không đặt chân đến. Ở đâu ông cũng được đồng bào Raglai yêu mến vì sự hòa đồng và những tình cảm chân thành. Đặc biệt, từ năm 1994, để tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí của người Raglai ở Khánh Sơn, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, ông cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Vũ (lúc này là Chủ tịch UBND huyện) và Chamaliaq Riya Tiẻnq bắt đầu thực hiện công trình khoa học “Sưu tầm nghiên cứu xây dựng chữ viết tiếng Raglai” do Huyện ủy Khánh Sơn đề xuất. Sau thời gian nghiên cứu, nhờ bám sát thực tế, công trình đã đạt kết quả khả quan và được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu năm 1996. Cũng từ đây, nhiều lớp học chữ Raglai tại Khánh Sơn đã hình thành và mở rộng.


Nghiên cứu văn hóa dân gian là việc làm gian khổ, đối với văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số lại càng gian khổ hơn. Nhưng ông đã vượt qua tất cả bằng niềm đam mê. Không phải ngẫu nhiên văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa gọi ông là “nhà Raglai học”, và cũng không phải ngẫu nhiên nhiều người Raglai ở Khánh Sơn vẫn nhắc đến cái tên Ama Sang một cách trân trọng. “Văn hóa của người Raglai rất phong phú. Và bà con Raglai cũng tốt lắm”, ông từng chia sẻ.


Điều đáng tiếc là ông đã ra đi vào năm 2004, khi trong phòng làm việc của mình vẫn còn khá nhiều băng ghi âm, những tấm hình chưa dùng tới cùng nhiều trang bản thảo viết dở dang về văn hóa Raglai…


 Hoàng Nhật Tuyên