11:06, 18/06/2021

Các tác phẩm báo chí thể hiện sự dấn thân của tác giả

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí tỉnh hàng năm, ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung liên quan đến công tác chấm giải và chất lượng các tác phẩm tham gia giải năm nay.

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí tỉnh hàng năm, ông Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số nội dung liên quan đến công tác chấm giải và chất lượng các tác phẩm tham gia giải năm nay.


- Xin ông cho biết đôi nét về Giải báo chí tỉnh năm nay?  

 


- Ngay từ đầu năm, Hội Nhà báo tỉnh đã có văn bản gửi từng chi hội nhà báo trực thuộc chủ động thông báo cho hội viên gửi tác phẩm tham gia giải. Đến cuối tháng 3, việc nhận tác phẩm dự giải kết thúc. Ngoài tác phẩm dự thi của hội viên Chi hội Nhà báo Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, ban tổ chức còn nhận được số lượng lớn tác phẩm của đội ngũ phóng viên, nhà báo thuộc văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đóng chân trên địa bàn tỉnh. Để việc chấm giải diễn ra công bằng, khách quan, đánh giá đúng chất lượng tác phẩm, ban tổ chức đã thành lập ban giám khảo với 7 thành viên gồm đại diện Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh. Nhìn chung, công tác chấm giải diễn ra theo đúng trình tự, quy định và đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc để trao giải.


- Quy mô, chất lượng các tác phẩm báo chí dự giải năm nay như thế nào, thưa ông?


- Giải báo chí tỉnh năm nay thu hút gần 100 tác phẩm thuộc các thể loại báo viết, báo ảnh, báo hình, phát thanh dự thi. So với năm trước, số lượng tác phẩm dự thi năm nay ít hơn nhưng chất lượng tương đối tốt, khá đồng đều, thể hiện được sự đầu tư công phu, sự dấn thân của các tác giả. Nhìn tổng thể, các tác phẩm phản ánh toàn diện đời sống xã hội, bám sát các sự kiện của tỉnh; đặc biệt là những đề tài “nóng” như: Phòng, chống dịch Covid-19; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Qua đó cho thấy, sự hiện diện của báo chí trong tất cả các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Hình thức và cách tổ chức, triển khai các tuyến tin - bài cũng chặt chẽ, bài bản. Trong đó, một số tuyến bài dài kỳ cho thấy sự đeo bám chủ đề tới cùng của tác giả. Có nhiều đề tài mang tính phát hiện, chuyên sâu, độc đáo, thể hiện cái nhìn riêng của người viết.


Các tác phẩm dự thi đã cho thấy phạm vi đề tài phản ánh phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền nghị quyết của Đảng, công tác chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân làm giàu vươn lên; bất cập trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và những vấn đề tiêu cực khác...
Đối với báo viết, ở cả 2 loại hình báo in và báo điện tử đã thể hiện rất tốt trong khâu chọn chủ đề, phát hiện vấn đề, đặc biệt là văn phong thể hiện. Có thể kể một số tác phẩm như: Hàng chục héc-ta rừng bần quý hiếm ở Khánh Hòa bị xóa sổ; Cuộc chiến với nCov; Ứng phó với dịch Covid-19; Bạt núi, lấn biển vùng lõi vịnh Nha Trang; loạt bài về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng… Thể loại báo phát thanh và truyền hình năm nay có nhiều đề tài mang tính thời sự như: Đảng bộ Khánh Hòa vững bước tương lai; bất cập gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng; tuyên truyền hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII… Các tác phẩm có cách thể hiện phù hợp với xu thế chung của báo chí hiện đại, có tác dụng giáo dục rất tốt trong xã hội hiện nay.


- Từ kết quả của giải báo chí lần này, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí dự giải lần sau?


- Giải báo chí tỉnh năm nay đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần rút ra để làm tốt hơn. Trước hết, đó là sự thiếu vắng những tác phẩm mang tính chất đề xuất giải pháp, hiến kế cho chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành các mặt chính trị, kinh tế - xã hội. Số lượng các tác phẩm phản ánh gương người tốt, việc tốt, có sức lan tỏa, làm lay động lòng người vẫn còn khiêm tốn. Chủ đề phòng, chống đại dịch Covid-19 mang tính thời sự rất cao, nhưng cách thể hiện của một số tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, chưa thể hiện rõ tính phát hiện hoặc đề xuất giải pháp giúp chính quyền địa phương có thêm căn cứ để đưa ra quyết sách đúng đắn.


Năm nay, có thêm nhiều tuyến bài dài kỳ và hiện tượng lắp ghép cơ học từng bước khắc phục. Tuy nhiên, nhiều tuyến bài vẫn có tính chất ăn đong, chưa có chiến lược bài bản, thậm chí một số tác phẩm có hiện tượng bài đầu phù hợp với tít chính, nhưng các kỳ cuối lắp ghép gượng ép. Một số phóng sự truyền hình, phát thanh thời lượng khá dài, thiếu vắng các thể loại mới như phát thanh thực tế, truyền hình thực tế… Báo điện tử cũng có nhiều cải tiến về chất lượng, cách thức trình bày nhưng vẫn thiếu tác phẩm có cách trình bày hiện đại như sử dụng báo chí dữ liệu, longform, emagazine, megastory… Tính đa phương tiện, trình bày theo thuyết nhiều cửa vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, các tuyến bài bên lề sự kiện hoặc phản ánh những nội dung có liên quan đến vấn đề mà xã hội đang đặt ra còn thiếu rất nhiều.


- Xin cảm ơn ông!


Giang Đình (Thực hiện)