11:02, 23/02/2021

Giữ lửa cho bài chòi

Nhiều năm qua, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian dù có những bước thăng trầm, song luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu tâm huyết. Họ là những người đang giữ ngọn lửa di sản bài chòi trong mỗi làng quê xứ Trầm.
 

Nhiều năm qua, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian dù có những bước thăng trầm, song luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu tâm huyết. Họ là những người đang giữ ngọn lửa di sản bài chòi trong mỗi làng quê xứ Trầm.
 
 
Tình yêu theo năm tháng
 
 
Ngày cuối năm, chúng tôi đến tìm gặp nghệ nhân Trần Thị Bạch Lan tại nhà riêng ở thôn Vĩnh Phú (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đúng lúc bà đang cùng một số người bạn tập luyện tiết mục ca bài chòi Nhớ mẹ theo điệu xuân nữ. Lời ca vừa dứt, nghệ nhân Bạch Lan cho biết đây là tiết mục được bà viết lời mới rồi phổ theo làn điệu dân ca bài chòi. “Tôi yêu thơ nên mạnh dạn đưa một số bài thơ của mình vào những làn điệu bài chòi để tạo sự mới mẻ cho các tiết mục, cũng như gửi gắm được tình cảm bản thân vào đó”, nghệ nhân Bạch Lan chia sẻ. 

 

Nghệ nhân Bạch Lan thể hiện một tiết mục bài chòi.
Nghệ nhân Bạch Lan thể hiện một tiết mục bài chòi.
 
 
Ở độ tuổi 60, nghệ nhân Bạch Lan có 21 năm liên tục biểu diễn, thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian. Năm 13 tuổi, bà đã đam mê các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian nói chung và bài chòi nói riêng. Trong những lần được theo cha mẹ, người thân đi xem diễn bài chòi ở đình làng đã gieo vào tâm hồn bà tình yêu với loại hình nghệ thuật này. Từ năm 2000 đến nay, bà thường xuyên tham gia biểu diễn ở các liên hoan, hội diễn nghệ thuật các cấp và đạt được nhiều giải cao. Đặc biệt, bên cạnh việc diễn những tiết mục bài chòi cổ như: Cao Quân Bảo phá bảng chiêu phu, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương… bà còn diễn những tiết mục bài chòi mới hoặc tự biên như: Cùng anh người lính Trường Sa, Gửi lòng con đến cùng cha, Tổ quốc và Mẹ, Tình yêu người lính và biển đảo… 
 
 
Cùng chung niềm đam mê bài chòi, nghệ nhân Lê Hồng Yến ở thôn Quang Đông (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) cũng là kép hát nổi tiếng. Suốt 50 năm, tình yêu bài chòi chưa bao giờ phai nhạt trong tâm hồn người đàn ông này. Cùng với các làn điệu xàng xê, xuân nữ, hồ quảng, cổ bản, vọng kim lang… nghệ nhân Lê Hồng Yến đã đi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân khắp các xóm thôn ở thị xã Ninh Hòa và các địa phương lân cận. Nhắc đến ông, nhiều khán giả vẫn ấn tượng về một kép hát bài chòi các trích đoạn, vai diễn: Con heo dầu, Dòng suối Búng, Trần Minh khố chuối, Thoại Khanh - Châu Tuấn… Đến nay, đã 64 tuổi, ông vẫn luôn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ các kỹ năng hát bài chòi. “Tôi được nghệ nhân Lê Hồng Yến tận tỉnh chỉ dạy về bài chòi. Nhờ đó, tôi đã có thể đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả”, chị Nguyễn Thị Hà ở tổ dân phố Phong Phú (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cho biết. 
 
 
Nối truyền nghiệp xưa
 
 
Hai nghệ nhân là anh em ruột Nguyễn Thanh Dũng và Nguyễn Thị Kim Chi ở tổ dân phố Phú Lộc Đông 3 (thị trấn Diên Khánh) được nhiều người biết đến khi thường xuyên xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Xuất thân từ gia đình có 3 thế hệ theo nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân Thanh Dũng và Kim Chi từ nhỏ đã được ông ngoại là nghệ nhân Nguyễn Dương chỉ dạy, truyền nghề. Gia đình có gánh hát riêng nên hai anh em thường được đi theo những chuyến lưu diễn dọc các tỉnh miền Trung. Sống trong môi trường hoạt động nghệ thuật như thế, tình yêu với bộ môn bài chòi thấm đẫm trong tâm hồn họ. 

 

Nghệ nhân Kim Chi biểu diễn nghệ thuật bài chòi dân gian.
Nghệ nhân Kim Chi biểu diễn nghệ thuật bài chòi dân gian.
 
 
Với nghệ nhân Thanh Dũng, từ năm 17 tuổi, ông đã tự tin tham gia hô hát bài chòi mỗi dịp Tết đến. Đến nay, ở tuổi 43, ông đã có thể đảm nhận vai kép chính trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, đặc biệt là đóng vai chú Hiệu rất sinh động trong loại hình hô hát bài chòi giàn. Với tài năng, niềm đam mê của mình, nghệ nhân Thanh Dũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi toàn quốc và khu vực. Còn nghệ nhân Kim Chi, ở tuổi 40, bà đã sở hữu bộ sưu tập thành tích đáng nể. Nhưng với khán giả, nhiều người lại ấn tượng với nghệ nhân Kim Chi là người có thể diễn được nhiều vai cả đào lẫn kép. 
 
 
Từ năm 2013 đến nay, hai nghệ nhân Thanh Dũng - Kim Chi đã tham gia vào Câu lạc bộ bài chòi Khánh Hòa và tham gia chương trình bài chòi giàn ở Công viên bờ biển cạnh Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) vào mỗi tối cuối tuần. Năm 2014, cả hai nghệ nhân đã hô hát các trích đoạn bài chòi cổ, bài chòi giàn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ nghệ thuật bài chòi Trung Bộ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Sau khi nghệ thuật trình diễn bài chòi được UNESCO vinh danh, nghệ nhân Thanh Dũng và Kim Chi đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật bài chòi vào các dịp lễ hội, đưa bài chòi vào giới thiệu trong học đường trên địa bàn tỉnh. Năm 2018 và năm 2020, hai nghệ nhân đã tham gia với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện tuyên truyền, phục dựng phim tư liệu về bài chòi Khánh Hòa. Ngoài ra, nghệ nhân Thanh Dũng và Kim Chi cũng đã truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho lớp sau. 

 

Nghệ nhân Thanh Dũng đang thể hiện một làn điệu bài chòi dân gian.
Nghệ nhân Thanh Dũng đang thể hiện một làn điệu bài chòi dân gian.
 
 
Canh cánh nỗi niềm
 
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, các nghệ nhân Bạch Lan, Lê Hồng Yến, Thanh Dũng, Kim Chi vừa được UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là những người nắm giữ bài bản, kỹ năng, kỹ thuật ở trình độ cao và có nhiều hoạt động phổ biến, quảng bá nghệ thuật bài chòi vào cuộc sống một cách thiết thực. Họ thực sự là vốn quý của tỉnh trong quá trình bảo vệ, phát huy những giá trị của di sản văn hóa bài chòi dân gian. 
 
Hòa chung niềm vui với việc nghệ thuật bài chòi dân gian được UNESCO vinh danh, trong tâm hồn mỗi người vẫn còn những nỗi niềm canh cánh. “So với trước đây, phong trào biểu diễn, hô hát bài chòi đã được quan tâm và trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, cũng chỉ mới dừng lại ở chiều rộng, còn chưa đủ độ sâu. Nghĩa là chúng ta vẫn chưa xây dựng được đội ngũ nghệ nhân kế cận đông đảo về số lượng và nhất là có tình yêu, đam mê với bài chòi” - nghệ nhân Thanh Dũng chia sẻ. Còn nghệ nhân Lê Hồng Yến lại băn khoăn trước thực trạng các nghệ nhân bài chòi ngày càng lớn tuổi. Dù có cố gắng truyền dạy cho thế hệ sau thì cũng đã hạn chế nhiều vì sức khỏe đã giảm sút. 
 
Có thể nói, những nghệ nhân bài chòi này là những báu vật nhân văn sống, đúng như cách gọi đầy trân trọng của UNESCO khi vinh danh nghệ thuật bài chòi lên tầm di sản nhân loại. Dẫu chưa có nhiều đãi ngộ xứng tầm song họ vẫn đam mê hoạt động nghệ thuật, để trở thành những người giữ gìn và lưu truyền nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chia tay với các nghệ nhân, trong chúng tôi lại văng vẳng câu ca: Gió xuân phảng phất nhành tre/Xin mời cô bác lắng nghe bài chòi…, cùng tiếng trống, tiếng phách rộn ràng. 
 
Giang Đình