10:01, 04/01/2021

Quảng bá thương hiệu quốc gia sơn mài

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" giai đoạn 2020 - 2030.
 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2030.
 
Mục tiêu của đề án là nhằm thúc đẩy sự phát triển của Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, văn hóa Việt Nam ra quốc tế.
 
Đồng thời, Đề án cũng hướng tới khuyến khích các doanh nghiệp, làng nghề, nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế, cũng như khuyến khích con em nghệ nhân học hỏi, duy trì nghề thuyền thống của cha ông.

 

Sản phẩm sơn mài xuất khẩu ở làng sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội.
Sản phẩm sơn mài xuất khẩu ở làng sơn mài Hạ Thái, Thường Tín, Hà Nội.
 
Mục tiêu lớn nhất của Đề án là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật Sơn mài Việt Nam. Tôn vinh chất liệu, người trồng cây và người làm công cụ. Tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội về vị trí, vai trò cây Sơn.
 
Để thực hiện Đề án, cơ quan thực hiện sẽ phải khảo sát các làng nghề, hoạt động sáng tác, thị trường tiêu thụ sản phẩm để nhận diện thương hiệu, đồng thời xây dựng những tiêu chí, quy chuẩn về chất liệu, kỹ thuật, quy trình chế tác sản phẩm, tác phẩm Sơn mài Việt Nam đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, việc xây dựng, quản lý, phổ biến, sử dụng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam” cũng rất cần thiết. 
 
Đề án cũng đặt ra các hoạt động khác cần thực hiện như quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài, tổ chức triển lãm thường kỳ các bộ sưu tập “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, Sản phẩm Sơn mài Việt Nam”; tổ chức các workshop, hội thảo, tọa đàm, trình diễn quy trình chế tác sản phẩm, tác phẩm theo tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”; tổ chức các tour du lịch khám phá, trải nghiệm và thực hành sáng tạo nghề Sơn mài truyền thống Việt Nam; các hội chợ tác phẩm và sản phẩm; xuất bản sách, dựng phim tài liệu, làm video clip; thiết kế, sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch chế tác bằng sơn mài Việt Nam.
 
Đề án cũng đề cập đến việc tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Sơn mài quốc tế tại Việt Nam cũng như đăng cai tổ chức hai năm/lần Liên hoan Nghệ thuật Sơn mài quốc tế với sự tham gia của các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
 
Theo nhandan.com.vn