10:10, 20/10/2020

Những giọng ca nữ nổi tiếng từ núi rừng Tây Nguyên

Cho đến giờ này, công chúng yêu nhạc có thể chọn được 4 giọng ca tiêu biểu từ núi rừng Tây Nguyên góp hương vị vào vườn hoa thanh nhạc Việt Nam: nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang (dân tộc Gia Rai), nghệ sĩ ưu tú Măng Thị Hội (dân tộc Bana Chăm), ca sĩ Siublack (dân tộc Bana) và ca sĩ trẻ  Bonneur Trinh (dân tộc Lạch). 

Cho đến giờ này, công chúng yêu nhạc có thể chọn được 4 giọng ca tiêu biểu từ núi rừng Tây Nguyên góp hương vị vào vườn hoa thanh nhạc Việt Nam: NSND Rơ Chăm Phiang (dân tộc Gia Rai), NSƯT Măng Thị Hội (dân tộc Bana Chăm), ca sĩ Siublack (dân tộc Bana) và ca sĩ trẻ  Bonneur Trinh (dân tộc Lạch). Đó thực sự là 4 sắc màu riêng biệt tạo dấu ấn với người yêu nhạc.

 

NSƯT Măng Thị Hội

NSƯT Măng Thị Hội


So với các đàn em, NSƯT Măng Thị Hội (sinh năm 1948) ít biểu diễn trên sân khấu. Nhắc tới Măng Thị Hội, người ta hay nhắc đến vai trò một bà giáo thanh nhạc tài năng của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1978 tới nay, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã được bà truyền dạy như: NSƯT Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thúy, Mỹ Tâm, Thanh Sử… Tuy nhiên, trước khi thành giảng viên thanh nhạc, Măng Thị Hội đã là một giọng ca đẳng cấp, dù bà hát rất ít. Cho tới giờ này, mỗi khi nhắc tới bài “Bóng cây kơ nia”, người ta đều nhắc đến Măng Thị Hội. Đó là duyên đến với cô sinh viên trường nhạc Việt Nam dân tộc Bana Chăm. Năm 1973, khi Măng Thị Hội chọn bài tốt nghiệp thanh nhạc thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa sáng tác xong bài “Bóng cây kơ nia” và bài hát này như được dành riêng cho giọng ca có gốc của núi ngàn Tây Nguyên. Với giọng nữ cao, trong vắt, Măng Thị Hội đã đạt điểm cao nhất trong bài thi tốt nghiệp. Từ đó, bà luôn biểu diễn bài hát này và đạt kinh điển của phong cách trữ tình Tây Nguyên. Sau này, với vai trò giảng viên, bà biểu diễn cho học trò mình hay những dịp lễ hội đặc biệt nhưng người ta đều coi bà là giọng ca số 1 của Tây Nguyên cho đến bây giờ.

 

NSND Rơ Chăm Phiang

NSND Rơ Chăm Phiang


Đã có thời, cùng với giọng ca Lê Dung, Thanh Hoa, Thanh Huyền hay những  giọng nữ cao Tuyết Thanh, Bích Liên, Tường Vi… công chúng vẫn nhận ra một giọng nữ cao có tên rất hay: Rơ Chăm Pheng, sau này gọi chính xác là Rơ Chăm Phiang. Hầu như các bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật khó, có sắc màu bác học đều thấy Rơ Chăm Phiang biểu diễn: Bóng cây kơ nia, Bài ca hy vọng, Lời ru trên nương… Dù hát những bài nhiều ca sĩ cùng thời biểu diễn nhưng giọng ca của Rơ Chăm Phiang không lẫn vào đâu được, luôn lảnh lót như họa mi. Có vẻ như mỗi lần cất tiếng hát, Rơ Chăm Phiang đều cố gắng thực hiện tác phẩm trọn vẹn nhất, thẩm mỹ nhất, khát vọng nhất của cô gái Gia Rai miền núi rừng Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Rơ Chăm Phiang là ca sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản nhất với tấm bằng đại học thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky thuộc Liên Xô (cũ). Sau năm tháng học tập ở trình độ cao, Rơ Chăm Phiang trở lại làm giảng viên Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Bà được phong tặng NSƯT năm 2007 và năm 2019 được phong NSND.

 

Ca sĩ Siublack

Ca sĩ Siublack


Siublack - cô gái Bana vốn là nhân viên ngành Điện lực Kon Tum, trở thành giọng ca bốc lửa nổi tiếng cuối thế kỷ XX với những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Trương Ngọc Ninh: Ly cà phê Ban Mê, Đôi mắt Pleiku, Vòng tay Đam San, Em muốn sống bên anh trọn đời… Siublack được sánh đôi với giọng ca lừng danh NSND Y Moan tung hoành khắp các sân khấu Việt Nam. Với chất giọng đậm màu rock, Siublack làm cho người nghe hừng hực lửa cháy mỗi khi chị diễn. Rất tiếc, hơn 6 năm trước, sự cố cá nhân đã đẩy nữ ca sĩ sinh năm 1967 trở lại miền phẳng lặng đời thường, làm đứt mạch vinh quang của nghiệp ca sĩ.

 

Ca sĩ Bonneur Trinh

Ca sĩ Bonneur Trinh


Tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 2012, một giọng ca có tên rất lạ Bonneur Trinh đã giành giải nhất làm sửng sốt khán giả và công chúng. Thực ra đây là thành quả và sự lao động cùng ý chí của cô gái người dân tộc Lạch ở làng Bonneur dưới chân dãy núi Langbiang, Đà Lạt. Ngay từ khi còn là sinh viên báo chí Trường Đại học Đà Lạt, cái tên Cil Trinh đã nổi tiếng trong giới sinh viên với giọng ca đầy chất lửa. Sau này, khi quyết định xuống Sài Gòn tham gia con đường ca nhạc, Cil Trinh lấy nghệ danh Bonneur Trinh. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở thành phố cho đến ngày đạt vinh quang ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình thành phố, cô trở thành ca sĩ chuyên nghiệp ở các tụ điểm, sân khấu ca nhạc với những ca khúc đậm bản sắc dân tộc: Trăng sơn cước, Tình ca Tây Nguyên, Hoa Lang Biang, Uống rượu cần với cô gái Tây Nguyên, Áp sa ra - vũ nữ Chăm, Nụ hoa và cây súng…


Đó là khúc “tứ tấu” đặc sắc của nền thanh nhạc Việt Nam.



Dương Trang Hương