09:09, 18/09/2020

Trí Nhân và những ký ức về rừng

Rừng mà chúng tôi đề cập ở đây là rừng núi của chiến khu một thời gắn bó với cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm.

Rừng mà chúng tôi đề cập ở đây là rừng núi của chiến khu một thời gắn bó với cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm. Đọc xong cuốn truyện và ký Từ trong ký ức (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2020) của nhà thơ Trí Nhân, tôi không giấu được sự thích thú khi tiếp cận những điều, những mẩu chuyện nhỏ mà tác giả đã từng trải qua hay chứng kiến trong thời gian cầm súng, gắn bó với vùng rừng núi Khánh Hòa vào những năm chống Mỹ.

 

Ảnh bìa sách
Ảnh bìa sách

 

Nếu cọp ở Khánh Hòa từ lâu nổi tiếng với câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” thì trong cuốn sách của mình, nhà thơ Trí Nhân đã cho ta thấy loại thú dữ này đã gây khó khăn không ít cho cán bộ, chiến sĩ ta. Đó là chuyện vào mùa đông năm 1969, ở khu rừng Chà Liên 2 (huyện Khánh Vĩnh), một số cán bộ đang theo học ở Trường Đảng tỉnh đốt lửa để nằm chung quanh. Đến gần sáng, khi bếp lửa đã tàn thì một con cọp đã âm thầm mò vào, định vồ người. Cũng may, mọi người kịp thời phát hiện, ứng phó nên con cọp đã không làm hại được chị Tô, một nhân viên dậy sớm, hâm bắp cho học viên ăn sáng (trong bút ký Quanh bếp lửa hồng). Đó là chuyện anh Tám K., Trưởng ban An ninh huyện 304 đi công tác giữa rừng, khi tới Dốc Lau bất ngờ bị một con cọp, đứng ngay trước mặt cản đường với dáng vẻ hung tợn. Anh lấy hết can đảm hướng khẩu súng ngắn K54 vào đầu con thú. Ai dè, sau lúc trừng mắt vờn mồi, con thú chồm lên, Tám K. bóp cò rồi lăn người xuống lề đường, sau đó bỏ chạy thục mạng về lại chỗ đóng quân. Khi nghe chuyện, anh em trong đơn vị cầm súng chạy đi đuổi cọp, nào ngờ giữa đường phát hiện con vật đã bị chết do viên đạn K54 của Tám K. bắn xuyên qua sọ (Dùng súng ngắn bắn cọp dữ).
 
Đối phó với thú rừng, ở chiến khu ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ ta còn phải thường xuyên đối mặt với bom đạn, với chất độc màu da cam, với những trận phục kích, càn quét của địch. Bên cạnh việc phản ánh những trận chiến đấu quyết liệt, những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nhà thơ Trí Nhân đã mang đến cho người đọc nhiều câu chuyện xúc động về tình đoàn kết, vượt qua gian khổ, thiếu thốn, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ lúc ở trong rừng, khi xuống đồng bằng móc nối với cơ sở. Những địa danh như: Gộp huyện ủy, Gộp ông Quyên, Hòn Lớn, Suối Gạo, Dốc Lau cùng bao nhiêu tên dốc, tên suối, tên đồi khác… ở miền núi Khánh Hòa đã được tác giả nhắc đến gắn liền với bức tranh sinh hoạt rất đa dạng của cán bộ, chiến sĩ ở nhiều khía cạnh, hoàn cảnh. Có những lúc địch càn quét, vây ráp liên miên, thiếu muối, nhiều đơn vị phải đi đốt tranh để lấy tro nấu cho có vị mặn (Ăn tro tranh thay muối). Có những năm khi Tết đến, nhận được từ cơ sở gửi lên ít quà, anh em tụ lại chia nhau, cùng nghêu ngao hát ca mừng năm mới (
 
Nhớ Tết chiến khu, Rượu chiến trường). Tình nghĩa giữa đồng bào các  dân tộc thiểu số với cán bộ, chiến sĩ trong những năm chiến tranh ác liệt cũng là nội dung được tác giả đề cập ở nhiều tác phẩm như: Quán tự giác, một nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở Khánh Hòa hay Đại hội Đảng bộ huyện ngày ấy…
 
Trong cuốn sách Từ trong ký ức xuất bản lần này của nhà thơ Trí Nhân cũng có một số truyện ký viết về giai đoạn sau giải phóng, nhưng có lẽ ấn tượng mà tác giả để lại trong lòng người đọc là những chuyện về rừng. Văn phong thể hiện tuy đơn giản, mộc mạc nhưng nội dung hấp dẫn vì những tình tiết mới lạ, được kể với giọng hóm hỉnh. Có truyện đọc xong, người đọc không giấu được nụ cười như Nhớ lại chuyện bắn máy bay. 
 
Nội dung mới lạ, tạo nên sự hấp dẫn - đó là điều dễ nhận thấy khi đọc Từ trong ký ức. Nếu không phải là người từng sống, từng trải qua ở chiến khu trong những năm kháng chiến thì khó có được nguồn tư liệu phong phú như tác giả đã kể lại trong sách. Những nội dung ấy đã góp phần làm cho người đọc nhận biết đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Khánh Hòa.
 
HOÀNG NHẬT TUYÊN