11:08, 14/08/2020

Sớm tôn tạo di tích địa điểm lưu niệm tàu C235

Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2014. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và về nguồn của đông đảo người dân, du khách gần xa. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng, không gian cảnh quan của khu di tích cần tiếp tục được nâng cấp, tôn tạo để phát huy giá trị hiệu quả hơn.

Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2014. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và về nguồn của đông đảo người dân, du khách gần xa. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng, không gian cảnh quan của khu di tích cần tiếp tục được nâng cấp, tôn tạo để phát huy giá trị hiệu quả hơn.


Nơi lưu dấu chiến tích oai hùng


Đến với di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235, mỗi người có dịp ôn lại sự kiện lịch sử, những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội trên con tàu C235 huyền thoại. Đây là một trong những con tàu không số của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để tiếp tế cho quân và dân ta trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tàu C235 được chọn là 1 trong 4 con tàu đi làm nhiệm vụ. Tàu C235 gồm 21 cán bộ, chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng và Trung úy Nguyễn Tương làm Chính trị viên, chỉ huy. Trong quá trình làm nhiệm vụ, tàu đã bị địch phát hiện. Các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm với quân địch. Trong trận chiến đó, tàu C235 đã được lệnh cho nổ tung để bảo vệ bí mật của chiến dịch; 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã anh dũng hy sinh, nhiều người khác bị thương…

 

Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 trở thành địa chỉ đỏ đối với người dân và du khách.  (Ảnh minh họa)

Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 trở thành địa chỉ đỏ đối với người dân và du khách. (Ảnh minh họa)


Ngày 25-8-1970, thuyền trưởng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1993, Lữ đoàn 125 Hải quân đã cùng chính quyền địa phương xây dựng Bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 tại xã Ninh Vân. Bên cạnh bia tưởng niệm còn một số mảnh vỡ của tàu C235. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, địa điểm lưu niệm tàu C235 lại được chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân đến dâng hương tưởng niệm. Năm 2016, khu tưởng niệm tại di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 được khánh thành, thể hiện sự tôn vinh đối với những hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ với quê hương, dân tộc. Cũng từ đây, di tích cấp quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235 trở thành điểm tham quan của du khách gần xa khi đến Khánh Hòa.


Để phát huy giá trị di tích hiệu quả hơn


Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, di tích lưu niệm tàu C235 đã được tôn tạo khang trang hơn, góp phần phục vụ tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng ở đây vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, di tích chưa có nơi đón khách, nơi để xe cho du khách. Khuôn viên chính của di tích có diện tích nhỏ hẹp do điều kiện vị trí một bên núi và một bên là biển nên rất khó đầu tư các công trình để phục vụ và phát huy giá trị di tích. Trước thực tế đó, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc đề xuất phương án tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235. “Đây là việc làm cần thiết để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Thông qua đó cũng nhằm triển khai Chỉ thị số 21 ngày 13-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa”, ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở VH-TT cho biết.


Theo đề xuất của Sở VH-TT, địa điểm lưu niệm tàu C235 sẽ được tôn tạo theo hướng: Mở rộng diện tích của di tích từ ranh giới mốc bảo vệ ra phía ngoài đường 60m, chiều rộng từ đường bê tông hiện hữu ra phía biển 20m. Tổng diện tích đề nghị mở rộng thêm là 1.200m2. Trên phần diện tích này, sẽ xây dựng một nhà truyền thống có diện tích 120m2, trong đó có hạng mục phụ trợ như: Phòng làm việc cho ban quản lý, nhà kho, khu vệ sinh. Đây cũng được sử dụng để làm nơi đón khách hành hương, tham quan và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống. Phần diện tích còn lại được sử dụng để trồng cây xanh, bãi đỗ xe, công viên. Theo dự kiến, nguồn kinh phí đầu tư cho việc tôn tạo nêu trên sẽ được sử dụng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh.


Theo ông Nguyễn Thanh Hà, qua tìm hiểu của các đơn vị chuyên môn, khi thực hiện phương án tôn tạo sẽ gặp những khó khăn như việc đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích đất cần mở rộng. Bởi đây hiện đang là đất thuộc quyền sử dụng của cá nhân. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng theo quy định. Từ đó, Sở VH-TT sẽ tiến hành thủ tục đầu tư dự án tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia địa điểm lưu niệm tàu C235.


Giang Đình