10:08, 18/08/2020

Nhà thơ Trần Mai Ninh và những vần thơ về Nha Trang thời kháng chiến

Nhà thơ Trần Mai Ninh có thể còn khá lạ với nhiều người, nhưng ở xứ Thanh, tên ông được dùng để đặt cho tên giải thưởng báo chí của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, những bài thơ hay nhất, được nhiều người biết đến nhất của ông là Tình sông núi và Nhớ máu đều có những câu viết về Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày kháng chiến chống Pháp.

Nhà thơ Trần Mai Ninh có thể còn khá lạ với nhiều người, nhưng ở xứ Thanh, tên ông được dùng để đặt cho tên giải thưởng báo chí của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, những bài thơ hay nhất, được nhiều người biết đến nhất của ông là Tình sông núi và Nhớ máu đều có những câu viết về Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày kháng chiến chống Pháp.


Ở bài Tình sông núi, ông đã tả lại bức tranh xứ Trầm trong những ngày chiến tranh nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp: “Nha Trang đẹp/Diên Khánh xanh non/... Tôi lim dim cặp mắt/Không thấy nơi nào không đẹp/Không giàu…”. Vẻ đẹp của Nha Trang - Khánh Hòa 75 năm trước là vẻ đẹp của những làng quê đất Việt thuần nông với: “Lúa xanh như biển rộng/Núi vươn cao khắp các sườn đèo/Rẫy đè lên rẫy/Bắp và khoai tiếp bắp và khoai.../Mấy sông là mấy vạn chài/Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang.../Gầu nước gieo vàng/Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng…”. Thanh âm cuộc sống của làng quê Nha Trang - Khánh Hòa đã chạm đến tâm hồn nhà thơ. Trong bối cảnh đó, ông càng cảm nhận rõ vẻ đẹp của mỗi người dân, mỗi chiến sĩ tham gia kháng chiến. Để giữ gìn được những vẻ đẹp bình dị đó là mồ hôi, máu và công sức của cả dân tộc kiên gan, bền chí kháng chiến: “Dân tộc mồ hôi thấm đất/Bắp căng như đồng/Tay ghì cán cuốc/Tay ghì tay xe/Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...”. Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp quê hương, đất nước với sức lao động, chiến đấu của mỗi người đã được nhà thơ gọi đó là một mối tình - tình núi sông, tình yêu Tổ quốc. “Có mối tình nào hơn thế nữa?/Trộn hòa lao động với giang sơn/Có mối tình nào hơn/Tổ quốc?”.

 


Có thể thấy, bài Tình sông núi ra đời trong những ngày kháng chiến chống Pháp đã khắc họa lại được hình ảnh quê hương, đất nước khi đó. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện được cái nhìn về những con người mang sức sống mới khi được làm chủ đời mình.


Cảm xúc thơ đó hoàn toàn khác với những gì được nhà thơ thể hiện trong bài Nhớ máu. Bài thơ này mặc dù được viết vào năm 1946 nhưng lại thể hiện ý chí căm hờn, lòng sục sôi đấu tranh cách mạng. Cái quỹ đạo tư tưởng, quỹ đạo thơ kêu gọi chiến đấu giành độc lập dân tộc của nhà thơ Trần Mai Ninh khi đó có hơi hướng giống với thơ Tố Hữu. Mỗi câu thơ như mệnh lệnh của lương tâm, tiếng gọi của trí tuệ và lý tưởng. Cũng chính vì thế, bài thơ có những câu thể hiện sự trần trụi của suy nghĩ và gợi hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến đấu: “Tôi đã thấy lòng tôi dậy/Rồi đây/Còn mấy bước tới Nha Trang/A, gần lắm!/Ta gần máu/Ta gần người/Ta gần quyết liệt/Ơi hỡi Nha Trang!/Cái đô thành vĩ đại/Biết bao người niệm đọc tên mi/Và Khánh Hòa vĩ đại!/Mắt ta căng lên/Cả mặt/Cả người/Cả hồn ta sát tới”. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn đó, có những con người được nhà thơ miêu tả bằng những câu chữ rất ấn tượng: “Những con người/Đã bước vào bất tử!/Ơ, những người!/Đen như mực, đặc thành keo/Tròn một củ/Hay những người gầy sát lại/Mặt rẹt một đường gươm”. Những con người đó là những chiến sĩ biệt động âm thầm nhưng đầy khí chất và nặng lời thề quyết tử vì Tổ quốc để cho một ngày: “Ta quyết thắng!/Việt Nam rồi đứng dậy/Sáng vô chừng/Rất tươi đẹp với Nha Trang và Nam Bộ…”.


Những bài thơ được làm theo thể thơ tự do nhưng mỗi câu từ đều giàu sức tả, sức gợi, gây ấn tượng cho độc giả ngay từ lần đọc đầu tiên. Trong bối cảnh nhiều nhà thơ tên tuổi lúc bấy giờ vẫn chưa bắt nhịp được với thực tế kháng chiến thì 2 tác phẩm trên của nhà thơ Trần Mai Ninh đã cho thấy thi pháp lãng mạn cách mạng, phẩm chất trữ tình và dữ dội trong thơ.


GIANG ĐÌNH

 




Nhà thơ Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh năm 1917, quê Thanh Hóa. Ông tham gia cách mạng từ phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) với vai trò là người làm thơ, viết báo trên các tờ: Bạn dân, Thời thế, Tin tức, Thế giới, Người mới, Bạn đường… Khi Mặt trận Dân chủ bị đàn áp, ông bị bắt, sau đó vượt ngục vào tham gia giành chính quyền năm 1945 ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Năm 1947, khi từ Phú Yên trở lại Khánh Hòa để tham gia hoạt động kháng chiến, ông bị địch bắt và hy sinh trong tù 1 năm sau đó. Tác phẩm của ông để lại ngoài 2 bài thơ trên, còn một số truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn được sáng tác từ năm 1939 đến 1944. Năm 1999, ông được Nhà nước công nhận liệt sĩ kháng chiến chống Pháp.