01:05, 19/05/2020

Luôn có Bác trong tim

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Trong những năm dài kháng chiến, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã ra sức lao động sản xuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà như mong ước của Người! Hình ảnh của vị cha già dân tộc chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân Việt Nam.

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Trong những năm dài kháng chiến, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã ra sức lao động sản xuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà như mong ước của Người! Hình ảnh của vị cha già dân tộc chưa bao giờ phai nhạt trong trái tim người dân Việt Nam.


Hạnh phúc hai lần được gặp Bác Hồ


Ở tuổi 89, ông Hoàng Lưu (đảng viên 70 năm tuổi Đảng, ở 17A Lê Văn Tám, TP. Nha Trang) vẫn nhớ cuối năm 1945, gia đình ông được tặng thưởng tấm ảnh Bác Hồ nhờ có nhiều đóng góp cho cách mạng. Những ngày sau đó, người dân quê làng An Nông, xã An Đông (nay là xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) kéo đến nhà ông Lưu để ngắm chân dung Cụ Hồ. “Cán bộ huyện trao phần thưởng cho mẹ tôi tấm hình Bác Hồ. Mẹ thuê thợ mộc đóng khung rồi treo lên tường. Cả nhà tôi hãnh diện lắm! Ngày nào tôi cũng phải nấu nước thật nhiều để tiếp khách đến ngắm ảnh Bác. Nhiều người cao niên cứ tấm tắc khen mãi về dáng vẻ tinh anh của Người…”, ông Lưu kể lại trong niềm xúc động.

 

Mẫu ảnh Bác Hồ, gia đình ông Hoàng Lưu được trao tặng năm 1945.

Mẫu ảnh Bác Hồ, gia đình ông Hoàng Lưu được trao tặng năm 1945.


Năm 1955, ông Lưu tập kết ra Bắc, công tác trong quân đội mấy năm, ông xuất ngũ đi học ngành kỹ thuật xây dựng. Rồi ông may mắn được gặp Bác Hồ khi Người đến thăm Câu lạc bộ Thống Nhất sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 1958. Đến giờ, ông vẫn nhớ hôm đó, Bác ân cần hỏi thăm các cháu ở miền Nam ra Bắc có quen với thời tiết giá lạnh chưa, có nhớ nhà không, hỏi thăm về công việc… khiến cả hội trường ai cũng rưng rưng nước mắt. “Có một thanh niên bạo dạn hỏi: Bác ơi, bao giờ thì thống nhất nước nhà? Người lặng đi trong giây lát, rồi trả lời nhưng không đi thẳng vào vấn đề mà nói đại ý: Chính quyền Ngô Đình Diệm như tảng đá chắn ngang giữa đường. Muốn thống nhất được nước nhà thì ta phải đẩy tảng đá đó đi… Rồi Bác bắt nhịp cho mọi người hát bài ca Kết đoàn như một lời dặn dò gợi ý phải đoàn kết vượt khó khăn, chiến đấu thống nhất nước nhà”, ông Lưu nhớ lại.


Khoảng tháng 5-1959, ông Lưu lại may mắn được gặp Bác lần thứ hai khi tham gia đắp đê ở xã Thượng Cát, huyện Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội). Khoảng 9 giờ sáng, khi mọi người đang hăng say làm việc, bất ngờ có người reo lên “Bác Hồ... anh em ơi” khiến cả công trường xao động hẳn lên. Khi ông Lưu  xoay người lại, ngẩng mặt lên thì Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đứng trước mặt. “Lúc đó, tôi run bần bật, miệng cứng lại, nước mắt tự dưng trào ra không dứt. Anh bạn đứng bên cạnh tôi nói lớn: “Bác ơi! Bác có khỏe không Bác”. Bác gật đầu bảo: Các cháu làm khỏe thì Bác khỏe…”, ông Lưu rưng rưng nước mắt kể về kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mình.


Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ đã tiếp thêm ý chí và nghị lực để ông Lưu vượt qua khó khăn, gian khổ trong công tác. Sau này, khi về công tác ở Khánh Hòa, ông vẫn kể cho những người ở miền Nam những câu chuyện về sự giản dị, gần gũi của Bác Hồ.


Ghi tạc lời dặn “Nước thì nhất định không được chia”


Với những bộ đội ở miền Nam, tình cảm dành cho Bác Hồ luôn rất sâu nặng, dù đa số đều chưa một lần được gặp Bác. Năm 1969, khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong đội hình của Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải), sư đoàn 390, ông Lê Bá Dương nghe tin Bác Hồ mất mà chết lặng. Vậy là ông vĩnh viễn không còn cơ hội thực hiện mơ ước một lần được gặp và mừng thọ Bác Hồ như người đồng đội của ông từng vinh dự có được.

Trước đó, với thành tích tiêu diệt 6 xe tăng trong trận đánh tại đường số 9, Quảng Trị, tháng 5-1969, ông Lê Nhật Tụng (thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27) vinh dự được tham gia Đoàn đại biểu dũng sĩ Quân giải phóng miền Nam ra Hà Nội dự đại hội chiến sĩ thi đua. Trong dịp này, người chiến sĩ miền đất lửa Quảng Trị đã có được niềm hạnh phúc vô bờ khi được cùng đoàn đại biểu thăm, chúc thọ Bác Hồ. Ngày trở lại đơn vị, trong hành trang của mình, ngoài chiếc Huy hiệu Bác Hồ, cùng tấm ảnh đang cùng các dũng sĩ miền Nam quây quần bên Bác, ông Lê Nhật Tụng còn mang về những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Và một trong những câu chuyện cảm động được người chiến sĩ ấy kể đi kể lại với đồng đội nhiều lần như sau: “Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt như trước, nhưng hôm đó, Bác Hồ vẫn dành cả một khoảng thời gian khá dài để tiếp dũng sĩ miền Nam. Trong không khí ấm áp tình cha con, cả đoàn như quên hẳn các đĩa kẹo, bánh, nước trà trên bàn. Sau những lời thăm hỏi, động viên, Bác tự tay gắn huy hiệu cho từng người. Khi chia tay đi ra đến cửa, Bác bỗng dừng bước, ngoảnh về phía dãy bàn còn nguyên các đĩa kẹo, bánh và bình nước trà rồi dặn: “Kẹo bánh của nhân dân cho đó, các cháu ăn không hết thì chia nhau mang về. Còn Nước thì nhất định không được chia!”.


Câu chuyện được ông Lê Nhật Tụng kể lại đã trở thành niềm tự hào và là bài học sâu sắc, trở thành động lực giúp những người lính Trung đoàn 27 vượt qua những cam go, thử thách, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc. “Chúng tôi đã vĩnh viễn không bao giờ có cơ may được gặp Bác như người đồng đội của chúng tôi. Nhưng Bác vẫn luôn hiện hữu bên chúng tôi trong từng chặng gian nan trận mạc với lời dặn như tạc vào lòng mỗi người lính”, ông Lê Bá Dương chia sẻ. Sau này, khi đi chiến đấu, ông Lê Bá Dương luôn mang theo bên mình cuốn sổ nhỏ có tấm hình Bác Hồ như một cách nhắc nhở mình về lời dặn của Bác. Năm 1971, trong trận chiến cao điểm 544 ở đồi thám báo, ông Lê Bá Dương đã viết lời thề quyết tử trên tấm ảnh Bác Hồ cùng đồng đội quyết tâm giữ chốt đến cùng.


“Nước thì nhất định không được chia!”. Lời dặn ấy, khát vọng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hành trang cho bộ đội nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung đi tiếp suốt chiều dài kháng chiến đến ngày thống nhất đất nước. 45 năm đã qua, kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhìn người Việt khắp mọi miền đất nước an vui xây đời mới lại càng nhớ đến công lao to lớn của Người!


XUÂN THÀNH

 

 


 

Tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà tù Côn Đảo


Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều người ở miền Nam đã chiến đấu anh dũng với mong ước thống nhất nước nhà, đón Bác Hồ vào thăm miền Nam. Với lý tưởng ấy, năm 1967, ông Võ Thanh Trà (quê tỉnh Bình Định, hiện sống ở số 1 Nguyễn Thái Học, Nha Trang) đã dẫn đầu mũi tấn công vào đốt kho xăng giặc Mỹ ở Quy Nhơn. Bị địch bắt và chịu án tử hình, ông Trà may mắn không bị xử bắn mà bị đày ra Côn Đảo vào đầu năm 1968. Ở đó, ông Trà cùng những người tử tù chấp nhận bị đánh đập chứ nhất quyết không giẫm lên lá cờ Tổ quốc như một cách khẳng định lý tưởng của mình.

 

Ông Võ Thanh Trà (thứ hai từ phải sang) cùng bạn tù Côn Đảo ôn lại kỷ niệm làm lễ truy điệu Bác Hồ trong tù.

Ông Võ Thanh Trà (thứ hai từ phải sang) cùng bạn tù Côn Đảo ôn lại kỷ niệm làm lễ truy điệu Bác Hồ trong tù.


Khi biết tin Bác Hồ mất, những người tử tù đã làm lễ truy điệu tưởng niệm Bác trong tù. “Chúng tôi lấy tấm bìa các-tông rồi lấy lá cây chà lên tạo nền để vẽ cho ra hình lá cờ Tổ quốc. Dùng lá cờ ấy đặt lên trên tấm phản để làm thành bàn thờ, 21 tử tù tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Mỗi người xé một miếng vải đen, khâu vào áo tù để để tang cho Bác. Khi truy điệu, tất cả mọi người quay mặt về hướng bắc. Tôi còn nhớ, anh Trương Thanh Danh đọc diễn văn rất xúc động, khiến ai cũng rơi nước mắt...”, ông Trà nhớ lại.