12:08, 03/08/2019

Miền ký ức chưa xa của một thương binh

Đó là miền ký ức của nhà thơ - thương binh Trí Nhân. Không phải bây giờ, qua tập truyện "Không cần phải bắt" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019), mà gần 20 năm qua, bạn đọc đã được đọc những câu chuyện mang đậm màu sắc một thời chiến tranh gian khổ mà hào hùng nhưng cũng không kém phần huyền thoại ở vùng chiến khu 301 - tức vùng Nam Ninh Hòa - của tác giả đăng rải rác trên các báo và tạp chí.

Đó là miền ký ức của nhà thơ - thương binh Trí Nhân. Không phải bây giờ, qua tập truyện “Không cần phải bắt” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019), mà gần 20 năm qua, bạn đọc đã được đọc những câu chuyện mang đậm màu sắc một thời chiến tranh gian khổ mà hào hùng nhưng cũng không kém phần huyền thoại ở vùng chiến khu 301 - tức vùng Nam Ninh Hòa - của tác giả đăng rải rác trên các báo và tạp chí.


“Không cần phải bắt” gồm 20 truyện ngắn chắt lọc toàn bộ vốn liếng văn chương một đời làm nghệ thuật của nhà thơ Trí Nhân. Sở trường của ông chính là thơ, trong đó nổi trội là thơ trào phúng đậm tính chiến đấu. Có thể nói, ông là cây bút thơ trào phúng hàng đầu của văn học Khánh Hòa sau giải phóng. Về nguyên do rẽ sang viết truyện, ông tâm sự, ông đã dành gần hết tuổi thanh xuân theo cách mạng ở chiến khu Nam Ninh Hòa. Ký ức ấy luôn hiện hữu và trỗi dậy trong ông. Mỗi khi suy nghĩ thì đó như một kỷ niệm, là món nợ của ông với các đồng bào, đồng chí đã từng sống gian khổ, hy sinh cho cách mạng. Ngay bản thân ông đã từng được đồng đội hết lòng cứu chữa mà sống được đến hôm nay, do vậy ông phải trả ơn họ cũng như cách mạng đã làm thay đổi cuộc đời mình.

 


Vì lẽ đó, tập sách có 2 phần thì phần về chiến khu Nam Ninh Hòa rất đặc sắc, bởi văn học Khánh Hòa hiếm có những tác phẩm kể lại, miêu tả cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào giai đoạn 1965 tới 1975. Trước đó, nhà thơ Giang Nam đã có những truyện ngắn đặc sắc viết về sự kìm kẹp hà khắc của Ngô Đình Diệm thập niên đầu 1960 ở vùng Tây Ninh Hòa thì nhà thơ Trí Nhân vô tình tiếp nối, kể tiếp chính miền đất này. Nếu như nhà thơ Giang Nam đi trực diện thì Trí Nhân lại có bút pháp rất thú vị: thật thà, hồn nhiên nhưng lại huyền ảo! Nó giống như lời kể của người bà cho cháu mình vậy. Như truyện “Cọp chiến”, “Chuyện là Trường Sơn”… kể về những con vật như hổ, khỉ được cán bộ thuần hóa để giúp đỡ cách mạng vô cùng cảm động. Trên tất cả chính là thực tế đầy hiện thực của thời kháng chiến thông qua hành động, suy nghĩ của những con người nơi đây. Ngòi bút kể chân thực của Trí Nhân cứ tuôn chảy để bạn đọc hôm nay hiểu được lòng quả cảm vô bờ của những người làm cách mạng như trong tác phẩm “Chị Hạnh”; trái tim nhân hậu vị tha trong “Diệt ác”; tấm lòng vì đồng đội trong truyện “Cái lưng cô y tá”; đồng bào dân tộc thiểu số vì cách mạng hy sinh tất cả trong “A-ma Cà - Dọc”…

 

 

Nhà thơ Trí Nhân tên thật là Đặng Hoài Nhân, sinh năm 1944 ở Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông tham gia cách mạng từ năm 1965, tại chiến khu Nam Ninh Hòa. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa.

Sang phần về thời hiện đại, tác giả đã kể lại những câu chuyện ở miền đất Nha Trang sau giải phóng thật sống động, vừa hiện thực vừa bay bổng.


Nhà văn Cao Duy Thảo nhận xét về tập sách: “Văn  thật mộc mạc, trực tiếp như một cam kết rằng đây là điều chắc thiệt, và cho dù câu chuyện khúc mắc tới đâu thì cuối cùng vẫn hướng tới cái thiện”.


Tập sách như một món quà dành cho mọi người hôm nay, đặc biệt lớp trẻ, đọc những trang văn này sẽ hiểu lớp cha ông đã sống, chiến đấu và xây dựng như thế đó ngay trên mảnh đất này.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG