09:06, 25/06/2019

Có một chân trời xanh thẳm

"Những chân trời xanh thẳm" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) là tập tiểu luận phê bình của Phạm Phú Phong - cây bút nổi tiếng cùng thời với Phạm Xuân Nguyên, Phạm Quốc Ca, Chu Văn Sơn…

“Những chân trời xanh thẳm” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018) là tập tiểu luận phê bình của Phạm Phú Phong - cây bút nổi tiếng cùng thời với Phạm Xuân Nguyên, Phạm Quốc Ca, Chu Văn Sơn…


Là giảng viên Đại học Huế, nhưng Phạm Phú Phong đã có thời gian làm việc tại Nha Trang cùng với nhóm Viện Văn học thực hiện hai công trình “Nha Trang Khánh Hòa - ba mươi năm văn học yêu nước và cách mạng” (năm 1989) và “Khánh Hòa - Bốn mươi năm văn học (năm 1990). “Những chân trời xanh thẳm” là công trình tích góp hơn 10 năm nghiên cứu của tác giả. Chỉ có điều, khác với những công trình phê bình văn học khác, Phạm Phú Phong cập nhật xu thế mới của bạn đọc trên nền học thuật, rất chừng mực trước những nhận định của tác giả về nhân vật mình đang giới thiệu.

 

Bìa sách Những chân trời xanh thẳm.

Bìa sách Những chân trời xanh thẳm.


Với 20 nhân vật văn học, trong đó có 4 tác giả của miền Nam: Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phạm Thế Ngũ; 16 tác giả còn lại chủ yếu văn nghệ sĩ miền Trung: Phan Khôi, Hải Triều, Nguyễn Văn Bổng, Hàn Mặc Tử, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Tô Nhuận Vỹ, Lê Văn Ngăn, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Trần Vàng Sao, Võ Hồng, Đào Xuân Quý và Lưu Quang Vũ… Đây thực sự là “bộ phim tư liệu văn chương” đầy tính khái quát, có giá trị bền vững cho thế hệ sau khi cần tìm hiểu và sẽ gợi mở để tiếp tục khám phá.


Đọc các chân dung mà Phạm Phú Phong viết, ta dễ nhận thấy rằng anh đi sâu về “di sản văn chương” để nói về tính cách. So với phê bình hôm nay thì lối viết ấy tương đối hiền hòa, thiếu những chi tiết điển hình, độc đáo, càng không có những lát cắt mạnh mẽ để đi tới những chân lý mới. Phạm Phú Phong hôm nay hơn hẳn những cây bút thế hệ trước đó là có nhiều thời gian hơn để thẩm định giá trị của di sản văn học cũng như sự nghiệp của các tác giả, nhưng anh lại không đi theo mạch đó dù cố vẽ chân dung nhân vật. Tuy vậy, điều đáng quý nhất của cuốn sách chính là sự công phu, nghiêm túc của tác giả, vì viết về nhân vật văn học rất khó, càng khó khi thời gian trôi xa, đề tài không lạ với thế hệ mới hôm nay.


Với vùng đất Khánh Hòa, Phạm Phú Phong giới thiệu hai cây bút nổi tiếng: Võ Hồng và Đào Xuân Quý. Đặc biệt, những trang dành cho nhà văn Võ Hồng thật đặc sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc và giới phê bình vì những năm tháng vào Nha Trang làm việc, Phạm Phú Phong đã tiếp xúc và thẩm thấu những trang văn và tính cách trong veo của nhà văn Võ Hồng. Với Đào Xuân Quý, chúng ta hiểu hơn về tài thơ cùng với tài dịch thơ của ông.


“Những chân trời xanh thẳm” đậm màu thời gian như ký ức đã xa, Phạm Phú Phong đem đến cho bạn đọc một món quà đầy những nỗi nhớ về nền văn học miền Trung thấm đẫm cảm xúc trọn một thế kỷ. Chắc chắn trên kệ sách của mỗi người, cuốn sách này thỉnh thoảng sẽ lại được mở ra cho ký ức ùa về như những cơn gió thu dịu mát từ chân trời xanh thẳm.


Dương Trang Hương