09:04, 12/04/2019

Ý nghĩa thiêng liêng mâm cơm dâng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý "Con người có tổ có tông", là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. 

Thờ cúng tổ tiên là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau với những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời. 
 
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời từ lâu, trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã khuất: Tin rằng con người ta chết là về với tổ tiên nơi chín suối nhưng ông bà, cha mẹ vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Do người Việt Nam coi trọng ngày mất (kỵ nhật) nên vào các ngày này hàng năm, người ta tổ chức lễ cúng tưởng nhớ người mất, gọi là ngày giỗ. 
 
Thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “Con người có tổ có tông”, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống tri ân công đức tổ tiên, gắn kết các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hoà hợp.  Trên vùng Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là độc nhất trên thế giới khi cả dân tộc Việt Nam đã tự ý thức về mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), một khu mộ Tổ và có chung ngày giỗ Tổ để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc. 
 
Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, các Vua Hùng là thánh nhân, là người có công dựng nước, là thần linh bảo vệ cho cả cộng đồng. Cứ mỗi dịp tới ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc - ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dù là ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ trong đó có mâm cơm là một nghi lễ vô cùng quan trọng của người Việt. Mâm cơm cúng giỗ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như nhằm tri ân với tổ tiên.
 
Mỗi vùng miền có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bày trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng biệt nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay. Mâm cơm cúng Vua tổ cần có những món cơ bản là: Bánh chưng, bánh giầy và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh giày là 2 sản vật thời kỳ Hùng Vương tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra, là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ sẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó. 
 
Với quan niệm vong hồn gia tiên luôn ở gần mình, người sống như được tiếp xúc với tổ tiên qua việc thờ cúng nên việc cúng bái gia tiên bao giờ cũng do người con trưởng đứng ra làm chủ lễ trong gia đình. Bài văn khấn thường bao hàm đầy đủ nội dung về quốc hiệu dân tộc, rồi đến năm, tháng và ngày âm lịch theo phong tục truyền thống. Sau đó là những lời cầu khấn xin tổ tiên phù hộ, độ trì trước là cho dân tộc bình yên, đất nước toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân hòa bình, sau là xin cho dòng họ, gia tộc, gia đình an khang, thịnh vượng... Khi gia trưởng khấn lễ xong, chờ cho tàn một tuần hương, tức là những nén hương thắp lên cháy quá 2/3 thì người gia trưởng tới trước ban thờ tạ lễ và hạ cỗ xuống. Mọi người trong gia tộc quây quần bên nhau thụ lộc của tiên tổ và mong mọi sự tốt lành.
 
Đối với dân tộc Kinh nói riêng, các dân tộc anh em khác trong đại gia đình các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, thì việc thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ nói trên trong dịp lễ trọng là những nét phổ biến nhất. Từ đây những giá trị tốt đẹp của phong tục thờ cúng tổ tiên sẽ được phát huy, nhằm góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Ban tổ chức vận động, khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm cúng Vua Hùng vào đúng ngày mùng 10 tháng 3, cùng với lễ Giỗ trên điện Kính Thiên nhằm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Tổ tiên của người Việt góp phần khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Theo baophutho.vn