11:04, 09/04/2019

Hò bả trạo ra phố

Từ một trò diễn dân gian thường diễn ra vào mỗi dịp lễ hội của ngư dân các làng biển, hò bả trạo (còn gọi là hò bá trạo) đã được sân khấu hóa trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố để giới thiệu đến du khách thập phương.

Từ một trò diễn dân gian thường diễn ra vào mỗi dịp lễ hội của ngư dân các làng biển, hò bả trạo (còn gọi là hò bá trạo) đã được sân khấu hóa trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố để giới thiệu đến du khách thập phương.


Hơn 3 tháng qua, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố của đoàn Tuồng (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống - NTTT - tỉnh) đã có thêm tiết mục hò bả trạo, với thời lượng khoảng 15 phút. Dù bị rút gọn về thời gian, nhưng bố cục của tiết mục vẫn đầy đủ các màn diễn chính trong hò bả trạo gồm: giáo đầu, ra khơi, tổng thương xem giông, về bến… “Lần đầu tiên xem tiết mục hò bả trạo này, tôi cũng phần nào biết được nội dung của nó là thể hiện những hoạt động của ngư dân trong quá trình lao động trên biển”, chị Võ Thị Trúc Quỳnh - khách du lịch đến từ TP. Hà Nội cho biết.

 

Tiết mục hò bả trạo được biểu diễn phục vụ công chúng trong dịp đầu năm 2019.  Nguồn: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Tiết mục hò bả trạo được biểu diễn phục vụ công chúng trong dịp đầu năm 2019. Nguồn: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.


Đội hò bả trạo gồm 16 người, chia thành các vai tổng thương, tổng lái, tổng mũi, tổng khoang và các trạo phu. Trong những bộ trang phục truyền thống, tay cầm các loại đạo cụ, đội hình bả trạo được sắp xếp mô phỏng theo dáng một chiếc thuyền lần lượt hô hát các làn điệu dân ca đặc trưng. Những câu hát bắc, hát nam, hát tổ… hòa nhịp với những động tác thể hiện cảnh chèo thuyền, gác mái giong buồm và công việc khác của ngư dân trên biển. Ở đó có nét thong dong khi trời yên biển lặng, có những nỗi vất vả, cực nhọc khi đối mặt với sóng to bão lớn; có niềm hân hoan khi cá tôm đầy khoang, nhưng cũng có những nỗi ưu tư của chuyến biển thất bát. “Hò bả trạo là trò diễn thể hiện lại cảnh lao động của ngư dân nên trong diễn xuất thực tế mỗi dịp lễ Cầu ngư hay cúng đình thường kéo dài từ 45 phút đến 1 giờ. Chính vì thế, để có thể rút gọn lại còn thời lượng 15 phút diễn cho du khách xem đòi hỏi chúng tôi phải tìm hiểu kỹ xem nên giữ lại cái gì và lược bớt cái gì. Yêu cầu bắt buộc là phải thể hiện được nét đặc sắc của trò diễn này, nhưng phải dễ xem, dễ nghe, dễ hiểu và phù hợp với không gian biểu diễn”, NSƯT Lưu Kim Hùng - Phó đoàn Tuồng cho biết.


Theo bà Hoàng Yến - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa NTTT phục vụ phát triển du lịch, đơn vị đã tiến hành dàn dựng, tập luyện tiết mục hò bả trạo để giới thiệu đến khán giả dưới hình thức nghệ thuật đường phố. Như vậy, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố của đoàn Tuồng, bên cạnh các trích đoạn tuồng cổ, múa bóng, giới thiệu nghệ thuật hóa trang các nhân vật tuồng, đã có thêm tiết mục hò bả trạo. Điều này góp phần làm phong phú các tiết mục biểu diễn của đoàn và khán giả được xem nhiều hơn các loại hình NTTT. Qua những buổi diễn có tiết mục hò bả trạo, nhìn chung khán giả cũng rất quan tâm, thích thú.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trò diễn hò bả trạo từng được mang lên sân khấu trong chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc tái hiện lễ hội Cầu ngư ở một số kỳ Festival Biển. Việc Nhà hát NTTT tỉnh dàn dựng tiết mục này vào chương trình biểu diễn đường phố góp phần đưa hò bả trạo đến công chúng một cách thường xuyên hơn. Qua đó, giúp cho du khách có được cái nhìn ban đầu về hò bả trạo. Đây cũng là cách để chúng ta phát huy giá trị những loại hình NTTT trong bối cảnh hiện nay.


Giang Đình



 




Theo dân gian, bả nghĩa là nắm chắc, trạo nghĩa là mái chèo. Nắm chắc mái chèo giữa biển khơi là tâm nguyện của cư dân miền biển. Một đội hát bả trạo có từ 12 - 18 con trạo chia làm hai bên, ở giữa đội hình là 3 người quan trọng: tổng mũi - người hát chính, mặc trang phục gần giống với diễn viên hát tuồng; tổng khoang - người lo việc hậu cần trên thuyền khi ra biển, có trang phục sặc sỡ, tay cầm cần câu và gàu tát nước, thường hát những câu hài hước, dí dỏm khi con trạo nghỉ ngơi; tổng lái đứng hàng giữa cuối cùng, tay cầm dầm chèo như các con trạo.