10:03, 05/03/2019

Một buổi chiếu phim lưu động

Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Nhiều hộ gia đình đã có ti vi, giao thông cũng thuận lợi hơn... nhưng việc tuyên truyền theo hình thức chiếu phim lưu động vẫn đang là một kênh thông tin mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Nhiều hộ gia đình đã có ti vi, giao thông cũng thuận lợi hơn... nhưng việc tuyên truyền theo hình thức chiếu phim lưu động vẫn đang là một kênh thông tin mang lại hiệu quả cao.


Một buổi chiều cuối tháng 2, chúng tôi theo chân đội chiếu bóng lưu động huyện Khánh Vĩnh (đội chiếu bóng số 2) đến thôn Gia Lố, xã Yang Ly. Khoảng 18 giờ, người dân trong thôn tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng của thôn để chờ xem phim. 18 giờ 30 phút, chương trình chiếu phim bắt đầu, với bộ phim Ngọn lửa lòng dân do đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng cùng nhóm tác giả trẻ Chu Thùy Trang và Nguyễn Thị Bích Ngọc thực hiện. Đây là bộ phim về đề tài chống tham nhũng đã đoạt giải Búa liềm vàng lần thứ 3, năm 2018.

 

Người dân tập trung xem phim.

Người dân tập trung xem phim.


Những thước phim chân thật đã thực sự thu hút sự quan tâm của người dân. Buổi chiếu phim không chỉ giúp người dân nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là dịp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục pháp luật, cho người dân ở vùng sâu, vùng xa một cách thiết thực. Anh Hà Nghĩa (dân tộc Raglai) cho biết, qua bộ phim, anh hiểu hơn về chính sách pháp luật của Nhà nước và mong có thêm nhiều buổi chiếu phim như thế này với các nội dung phong phú hơn.

 

Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Huyện Khánh Vĩnh có  37.000 dân với hơn 15 dân tộc sinh sống, nên từng vùng, từng cụm có nét văn hóa riêng. Những năm qua, chúng tôi đã triển khai công tác tuyên truyền thông qua các hình thức múa tập thể, múa cộng đồng lồng ghép thêm hoạt động chiếu phim để phục vụ người dân. Hoạt động chiếu bóng lưu động nhằm tuyên truyền những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, đặc biệt là các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là dịp để tăng cường thêm các mối liên hệ, đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.

Để có một buổi chiếu tưởng chừng khá đơn giản như vậy lại là nỗ lực lớn của những người trong ngành. Bởi, các đội chiếu phim lưu động phải chuyên chở trang thiết bị đến những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Việc các đội phải vận chuyển máy móc, thiết bị bằng xe gắn máy gần như là chuyện thường vì nhiều địa điểm chiếu phim rất xa, đường đi hiểm trở, đồi dốc, lầy lội vào mùa mưa.


Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điện ảnh tỉnh cho biết, hiện nay, trung tâm có 6 đội chiếu phim lưu động. Với phương châm hướng về cơ sở, năm 2018, các đội chiếu phim lưu động đã thực hiện 1.413 buổi chiếu phim; bình quân mỗi đội phục vụ 236 buổi/năm với nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới. Cách thức tuyên truyền trước mỗi buổi chiếu đều được lựa chọn phù hợp với truyền thống tập quán của người dân. Trong đó chủ yếu tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và nạn tảo hôn; giữ gìn nét văn hóa của các dân tộc… Ngoài ra, trung tâm còn chỉ đạo các đội chiếu phim lưu động phối hợp với phòng văn hóa các địa phương trên địa bàn triển khai lồng ghép các chương trình vận động, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và kế hoạch hóa gia đình,  tuyên truyền về pháp luật, chủ quyền biển đảo, phòng, chống cháy rừng và trồng rừng bằng tiếng dân tộc Raglai…


Mã Phương