12:03, 12/03/2018

Một thời điện ảnh xứ Trầm

Sau 47 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Khánh Hòa đã để lại những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp. Tuy có những lúc thăng trầm, nhưng ngành Điện ảnh vẫn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, nhất là ở những vùng miền núi, hải đảo.

Sau 47 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Khánh Hòa đã để lại những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp. Tuy có những lúc thăng trầm, nhưng ngành Điện ảnh vẫn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, nhất là ở những vùng miền núi, hải đảo.


Những cột mốc


Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Điện ảnh, ông Đinh Xuân Thặng - nguyên Giám đốc Công ty Điện ảnh Khánh Hòa lại bồi hồi nhớ về những năm tháng gầy dựng, duy trì và phát triển ngành Điện ảnh tỉnh nhà. “Tháng 8-1971, theo yêu cầu của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Tuyên huấn Khu 5 đã thành lập 1 đội chiếu bóng vào phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở Khánh Hòa. Đội gồm 2 người là tôi và anh Nguyễn Công Cẩn nhận lệnh lên đường. Từ vùng rừng núi Trà My (Quảng Nam), chúng tôi mang theo 1 máy chiếu 16 ly, một số phim truyện và phim tài liệu 16mm băng rừng, lội suối vào Khánh Hòa. Đến tháng 10-1971, đội vào đến Khánh Hòa và kịp chuẩn bị để chiếu buổi phim đầu tiên phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh tại chiến khu Tà Gộc (huyện Khánh Vĩnh). Đây được xem là dấu mốc cho sự ra đời ngành Điện ảnh ở Khánh Hòa”, ông Thặng kể.

 


Ngay sau buổi chiếu phim đầu tiên, đội đã liên tục đến các vùng căn cứ trong tỉnh để chiếu phim phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Đầu năm 1973, Ban Tuyên huấn Khu 5 tăng cường cho Khánh Hòa thêm 1 đội chiếu bóng. Các đội đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống thời chiến tranh để đáp ứng nhu cầu xem phim của đồng bào. Không chỉ chiếu trong tỉnh, các đội chiếu bóng còn tổ chức phục vụ chiếu phim cho người dân ở Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Tháng 4-1975, theo chân đoàn quân giải phóng, các đội chiếu bóng đã hội tụ tại Nha Trang để tiếp nhận trang thiết bị máy móc của địch bỏ lại, đồng thời tổ chức chiếu phim phục vụ người dân. Đến tháng 5-1975, toàn tỉnh có 7 đội chiếu bóng và được tổ chức lại thành Phòng Chiếu bóng trực thuộc Ty Thông tin Khánh Hòa. Đến đầu năm 1976, Phòng Chiếu bóng đã thực hiện được 500 buổi chiếu, mở 2 lớp đào tạo cho 15 nhân viên vận hành và 10 nhân viên thuyết minh.


Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân


Tháng 2-1976, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Quốc doanh chiếu bóng. Đây là một trong số ít các địa phương thành lập Quốc doanh chiếu bóng sớm nhất sau ngày miền Nam giải phóng. Đến năm 1985, Quốc doanh chiếu bóng được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Phú Khánh. Công ty vừa phải phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị - văn hóa xã hội, vừa tổ chức kinh doanh trên lĩnh vực hoạt động của mình. Ngành đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao khi liên tục kinh doanh có lãi, mạng lưới chiếu bóng trong toàn tỉnh được phát triển. Đến năm 1989, ngành đã có 13 rạp và 29 đội chiếu phim. Các đội chiếu phim lưu động thường xuyên có mặt ở những vùng miền núi, hải đảo để giúp người dân được thụ hưởng điện ảnh. Đặc biệt, công ty đã cử đội ra quần đảo Trường Sa chiếu phim cho bộ đội xem; qua tỉnh Stung Treng (Campuchia) phục vụ người dân nơi đây xem phim khi vừa thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ.

 

Với những đóng góp của mình, điện ảnh Khánh Hòa đã vinh dự nhận được: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch…

Tháng 7-1989, công ty được đổi tên thành Công ty Điện ảnh Khánh Hòa, đây là giai đoạn cả nước bước vào thời kỳ đổi mới nên hoạt động của công ty gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực cao, công ty đã dần vượt qua được những khó khăn và đạt thành tựu mới. Đó là việc thành lập lại 4 đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào miền núi; tham mưu lãnh đạo ngành Văn hóa thực hiện việc quản lý các hoạt động điện ảnh, băng hình trên toàn tỉnh.


Năm 2004, Công ty Điện ảnh Khánh Hòa được chuyển mô hình hoạt động thành Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa. Từ đó đến nay, việc tổ chức, quản lý, phục vụ dần đi vào nề nếp, hoạt động của trung tâm bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ tốt nhân dân ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. “Hiện nay, tuy hoạt động của ngành gặp những khó khăn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của mỗi cán bộ, công nhân viên, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng được lòng tin yêu của người dân”, bà Đinh Thị Ninh Trang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điện ảnh tỉnh cho biết.


Đánh giá về hoạt động của Trung tâm Điện ảnh, ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: “Trong thời gian qua, hoạt động chính của Trung tâm Điện ảnh tỉnh vẫn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trung tâm đã tổ chức thành công nhiều đợt chiếu phim tuyên truyền và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào ở vùng miền núi, hải đảo đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt người xem, góp phần nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân”.


Giang Đình