10:01, 04/01/2022

Phong trào bóng đá sân 7: Đã đến lúc có sân chơi riêng

Tại giải bóng đá sân 7 cúp toàn quốc (VSC-S1) kết thúc cuối tuần qua, Thành Thành FC và Nam Phương Khánh Hòa là 2 đại diện của bóng đá phong trào phố biển được tham gia giải Siêu cúp dành cho giới "phủi". Cho dù thể hiện quyết tâm rất cao và đầu tư rất bài bản, thế nhưng cả 2 đội đành phải sớm chia tay giải. 
 

Tại giải bóng đá sân 7 cúp toàn quốc (VSC-S1) kết thúc cuối tuần qua, Thành Thành FC và Nam Phương Khánh Hòa là 2 đại diện của bóng đá phong trào phố biển được tham gia giải Siêu cúp dành cho giới “phủi”. Cho dù thể hiện quyết tâm rất cao và đầu tư rất bài bản, thế nhưng cả 2 đội đành phải sớm chia tay giải. 

 

Các cầu thủ Nam Phương Khánh Hòa trong trận đấu tại VSC-S1.
Các cầu thủ Nam Phương Khánh Hòa trong trận đấu tại VSC-S1.
 
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Khánh Hòa là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ môn bóng đá. Ở cấp độ phong trào, từ tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố đều có đội tuyển và hằng năm đều tổ chức các giải bóng đá sân lớn (11 người), sân futsal hay sân cỏ nhân tạo (5 người). Trong khi đó, phong trào bóng đá sân 7 ở tỉnh lại chưa có sân chơi riêng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các đội bóng như Thành Thành FC hay Nam Phương Khánh Hòa (KH) dù đã đầu tư rất nhiều nhưng gặp không ít khó khăn tại giải siêu cúp toàn quốc VSC-S1 vừa kết thúc ngay trên sân nhà Nha Trang. Đây là 2 đội bóng phong trào rất mạnh bởi bề dày thành tích cả 2 đạt được khi thi đấu tại hầu hết các giải câu lạc bộ, vô địch (sân 11) do tỉnh tổ chức. Thế nhưng, khi bước vào sân chơi lớn sân 7 toàn quốc, cả 2 đều cho thấy sự thua thiệt trước các đối thủ mạnh khác.
 
Nam Phương KH trước khi bước vào giải đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đầu tư lớn khi chiêu mộ những chân sút chất lượng từ đội tuyển futsal tỉnh cũng như những cầu thủ được coi là “siêu” phủi Khánh Hòa như: thủ môn Ý Hòa, Khắc Chí, Văn Thanh, Thành Đạt, Hà “Tồ”, Thống “Pành”… Nhìn vào lực lượng này của Nam Phương KH cùng với lá thăm may rủi nằm ở bảng A với các đội Hiệp Hòa Group, Zetbit Sài Gòn, Anh Pháp, người hâm mộ bóng đá xứ Trầm đều có chung suy nghĩ đội hẳn sẽ làm nên chuyện. Thế nhưng, Nam Phương KH đã sớm bị loại ở vòng bảng sau 2 trận hòa, 1 thua, xếp cuối bảng. Vấn đề của Nam Phương KH là họ sở hữu dàn cầu thủ chất lượng nhưng không thường xuyên chơi với nhau nên thiếu sự gắn kết, thêm vào đó hầu hết các cầu thủ mạnh thi đấu ở sân lớn (11 người) và sân futsal. 
 
Thành Thành FC khá hơn khi lọt vào vòng bán kết, tuy vậy đội bóng cũng đành sớm chia tay sau trận thua 0-1 trước đối thủ Anh Pháp ở trận tứ kết. So với Nam Phương KH, Thành Thành FC có kinh nghiệm hơn về sân 7 khi họ từng đại diện cho phong trào miền Trung - Tây Nguyên thi đấu giải VPL-S (tại Hà Nội) và giành vị trí á quân. Thế nhưng, khi đối đầu với các đối thủ có truyền thống tại giải sân 7 lớn các khu vực như: Du lịch, Nghiêm Phạm Holding, Mobi, Gia Việt của HPL-S (giải miền Bắc), SPL-S (giải miền Nam) thì rõ ràng Thành Thành FC không sánh bằng khi ở tỉnh chưa có sân chơi phong trào sân 7 nào để các cầu thủ thi đấu, cọ xát; còn ban huấn luyện cũng chưa có kinh nghiệm để xây dựng đấu pháp mang bản sắc riêng cho đội bóng mình.
 
Khoảng 2 năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (Vietfootball) có sự phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xây dựng phong trào bóng đá sân 7 trở thành sân chơi mạnh cả nước và hướng nó trở thành giải “chuyên nghiệp” nằm trong hệ thống quốc gia. Nha Trang  hiện đang là địa điểm lý tưởng được ban tổ chức giải lựa chọn đăng cai giải đấu khi tổ chức KPL-S1 (năm 2019) và VSC-S1 (siêu cúp năm 2021). Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành Thể thao Khánh Hòa nên nghĩ đến việc xây dựng một sân chơi phong trào sân 7 cho riêng mình để tạo cơ hội cho các đội bóng phong trào tỉnh thi đấu, cọ xát, từ đó có thêm kinh nghiệm khi tham gia thi đấu giải vô địch sân 7 toàn quốc.
 
An Nhiên