09:04, 27/04/2021

Ưu tiên đầu tư các môn thể thao thế mạnh

Ưu tiên đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cho các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao… là 2 định hướng chính của thể thao tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Ưu tiên đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao… là 2 định hướng chính của thể thao tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.


Thiếu thốn đủ đường


Hiện toàn tỉnh có 22 đội tuyển của 13 môn thể thao trọng điểm gồm: Điền kinh, bóng đá (các lứa trẻ từ U11-U21 và bóng đá bãi biển), bóng bàn, bóng chuyền (trong nhà, bãi biển), khiêu vũ thể thao, cử tạ, thể dục thể hình và các môn võ thuật. Chất lượng đào tạo và thành tích của VĐV từng bước được cải thiện, nâng cao, nhất là tại các kỳ đại hội thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc gần đây. Chế độ chính sách và mức độ đầu tư kinh phí cho thể thao thành tích cao tỉnh cơ bản được đảm bảo theo quy định và ngang bằng với mức Trung ương.

 

Bóng bàn Khánh Hòa tại giải các đội mạnh toàn quốc năm 2020.

Bóng bàn Khánh Hòa tại giải các đội mạnh toàn quốc năm 2020.


Số lượng huy chương các đội tuyển tỉnh đạt được tăng lên từng năm nhưng chủ yếu ở các giải trẻ, cúp các câu lạc bộ và mở rộng; chất lượng VĐV thể thao thành tích cao phát triển nhưng chưa thật sự ổn định; một số môn thể thao có phong trào phát triển mạnh như: Bơi lội, cầu lông, quần vợt… nhưng lại không có VĐV đỉnh cao. Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Khó khăn nhất hiện nay của ngành chính là sự thiếu thốn, xuống cấp cơ sở vật chất thể thao”. Cơ sở vật chất thể thao thành tích cao hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tập luyện và thi đấu của các đội tuyển. Một số môn thể thao trọng điểm như điền kinh, các môn võ còn thiếu trang thiết bị chuyên dụng.


Một số khó khăn khác là chưa có phương án đầu tư kinh phí, trang thiết bị và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực khoa học thể thao; chế độ đãi ngộ và giải quyết nghề nghiệp cho VĐV khi hết tham gia tập luyện thi đấu vẫn chưa có, dẫn đến VĐV chưa yên tâm theo đuổi, cống hiến với nghề; các liên đoàn, hội thể thao do không có nguồn kinh phí nên không phát huy được vai trò của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng VĐV chất lượng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do nguồn kinh phí đầu tư cho thể thao thành tích cao của tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng tình hình thực tế; lực lượng cán bộ, HLV trực tiếp làm công tác thể thao thành tích cao còn thiếu và yếu; công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ, HLV, chuyên gia thể thao thành tích cao đẳng cấp quốc gia, quốc tế chưa được chú trọng.


Hy vọng giai đoạn mới

 

Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014, thể thao tỉnh tham gia 12 môn thi đấu, đoạt 6 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 16 huy chương đồng, xếp hạng 25/65 tỉnh, thành, ngành; Đại hội lần VIII-2018 tham gia 13 môn, đạt 7 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 13 huy chương đồng, xếp hạng 22/65. Hàng năm, các đội tuyển thể thao tỉnh tham gia hơn 80 giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế, đóng góp hơn 350 bộ huy chương các loại, trung bình có gần 50 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng và hơn 80 VĐV được phong đẳng cấp I quốc gia. Năm 2019, thể thao thành tích cao tỉnh đã đóng góp 3 HLV, 14 VĐV cho các đội tuyển quốc gia ở các môn tham dự SEA Games lần thứ 30 tại Philippines, trong đó VĐV điền kinh Trần Nhật Hoàng xuất sắc đoạt 3 huy chương vàng.

Để từng bước cải thiện vị thế thể thao tỉnh trở thành một trong những trung tâm TDTT mạnh của cả nước, mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao tiêu biểu, trọng điểm của tỉnh, tạo động lực cho phát triển thể thao quần chúng; xây dựng và phát triển đội ngũ HLV, VĐV chất lượng có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn cao; hoàn thiện các cơ chế, chính sách; huy động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển thể thao theo hướng từng bước chuyển giao công tác tổ chức tập luyện và thi đấu cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khi có cơ sở pháp lý rõ ràng.


Về chỉ tiêu, từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tiếp tục duy trì 13 môn thể thao trọng điểm với số lượng VĐV, HLV hiện có và duy trì thành tích huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế, đặc biệt là thành tích tại kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần IX-2022; bổ sung một số môn thể thao có phong trào mạnh vào nhóm đầu tư trọng điểm như bóng rổ, bơi lội phù hợp với điều kiện phát triển thực tế; đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý và nhân viên kỹ thuật. Cùng với đó, củng cố và hoàn thiện cơ sở vật chất, tăng cường xây mới, đầu tư trang thiết bị tập luyện để đáp ứng nhu cầu huấn luyện, đào tào; xây dựng các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, bố trí việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho hoạt động thể thao… Phấn đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ X-2026, thể thao thành tích cao tỉnh đạt 27 bộ huy chương, nằm trong top 20.


An Nhiên