11:04, 17/04/2020

Giảm lương cầu thủ, vận động viên: Sẻ chia gánh nặng với câu lạc bộ

Đội bóng không thi đấu, câu lạc bộ không có nguồn thu, nhà tài trợ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh… là những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong hơn 1 tháng qua. Để cân đối nguồn tài chính eo hẹp, nhiều câu lạc bộ đã buộc phải cắt giảm lương cầu thủ, vận động viên cho đến khi các hoạt động trở lại bình thường.

Đội bóng không thi đấu, câu lạc bộ (CLB) không có nguồn thu, nhà tài trợ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh… là những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong hơn 1 tháng qua. Để cân đối nguồn tài chính eo hẹp, nhiều CLB đã buộc phải cắt giảm lương cầu thủ, vận động viên (VĐV) cho đến khi các hoạt động trở lại bình thường.


Ở nước ta, đời sống cầu thủ, VĐV nói riêng, các giải đấu của các môn thể thao chuyên nghiệp nói chung từ trước tới nay, chủ yếu dựa vào “bầu sữa” của các nhà tài trợ. Vì thế, khi nguồn lực này dần eo hẹp thì chuyện các CLB cắt giảm chi tiêu, giảm lương là giải pháp được tính đến đầu tiên nếu như muốn duy trì, tồn tại, đặc biệt là trong mùa dịch này. Tính đến thời điểm này, gần một nửa các đội bóng ở V.League thực hiện chính sách giảm lương cầu thủ từ 20 đến 30%. CLB Thanh Hóa là đội bóng sớm nhất của V.League LS thực hiện chính sách này trong tháng 3 với việc khấu trừ 30% lương, đến tháng 4 đội tiếp tục tăng mức giảm lên 40% và nếu giải đấu không thể tổ chức trong tháng 5 thì các cầu thủ phải giảm lương đến 50%. Trong tháng 4, các đội bóng khác như: Nam Định, Quảng Nam, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sài Gòn và TP. Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành giảm lương cầu thủ. Trong các đội bóng này, một số đội trước giờ nguồn tài chính không dư giả nên chuyện “thắt lưng, buộc bụng” giảm lương cầu thủ cũng dễ hiểu, một số đội khác lại muốn sử dụng chính sách giảm lương để các cầu thủ thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia với đội bóng và cộng đồng.

 

Các cầu thủ nhận giảm lương cũng là cách sẻ chia gánh nặng với câu lạc bộ.

Các cầu thủ nhận giảm lương cũng là cách sẻ chia gánh nặng với câu lạc bộ.


Ở giải hạng Nhất, các cầu thủ, ban huấn luyện của các đội bóng cũng cùng chung cảnh ngộ. Không nói đâu xa, ngay ở Khánh Hòa, nhà tài trợ của các đội thể thao chuyên nghiệp phố biển cũng đang gặp không ít khó khăn. Hẳn ai cũng biết, từ trước tới giờ, hầu hết các đội thể thao tại các giải đấu chuyên nghiệp, thậm chí là đội trẻ đều trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính của nhà tài trợ. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, hàng nghìn người lao động của đơn vị tài trợ cũng đang chật vật nhằm chia sẻ khó khăn với công ty thì chuyện các cầu thủ đội bóng giảm lương để tiếp tục duy trì, tồn tại là chuyện nên làm. “Trong tình hình này, chúng tôi hoàn toàn đồng tình và chia sẻ khó khăn với CLB”, một vị huấn luyện viên nói.


Hiện cả nước đang bước vào giai đoạn 2 thực hiện giãn cách xã hội. Những ngày gần đây, thông tin từ Bộ Y tế cho thấy số ca nhiễm Covid-19 mới chỉ còn rải rác một vài địa phương. Đây là tin vui cho người dân cả nước và ai cũng hy vọng chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch, cuộc sống người dân nói chung và đời sống thể thao, bóng đá trở lại bình thường. Đó là lý do mới đây, VPF có thông báo dự kiến kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2020. Theo đó, ngày 15-5, bóng đá Việt Nam sẽ khởi động bằng các trận đấu trong khuôn khổ Cúp Quốc gia. Tuy vậy, đây chỉ là lịch dự kiến, tất cả còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh và sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.


PHÚC HIẾU