01:09, 09/09/2020

Đội tuyển Hà Lan cần một cái tên tương xứng với Ronald Koeman

Một trận hòa chật vật trước đội tuyển Ba Lan, một trận thua trước đội tuyển Italia tại Nations League 2020-2021 khiến cho những người hâm mộ "Cơn lốc màu da cam" càng thêm nhớ Ronald Koeman. Rõ ràng là đội tuyển Ha Lan đang cần một sự thay thế tương xứng trên băng ghế huấn luyện.

Một trận hòa chật vật trước đội tuyển Ba Lan, một trận thua trước đội tuyển Italia tại Nations League 2020-2021 khiến cho những người hâm mộ “Cơn lốc màu da cam” càng thêm nhớ Ronald Koeman. Rõ ràng là đội tuyển Ha Lan đang cần một sự thay thế tương xứng trên băng ghế huấn luyện.

 

Đội tuyển Hà Lan tỏ ra lúng túng trong lối chơi thời hậu Ronald Koeman.
Đội tuyển Hà Lan tỏ ra lúng túng trong lối chơi thời hậu Ronald Koeman.


Ngay từ trận thắng chật vật 1-0 trước đội tuyển Ba Lan trong khuôn khổ UEFA Nations League 2020-2021, những người hâm mộ “Cơn lốc màu da cam” đã có những sự lo ngại về lối chơi của đội tuyển mà họ yêu mến. Đó là bởi với một thế trận hoàn toàn vượt trội, chiếm tới 65% thời lượng kiểm soát bóng, có 15 lần dứt điểm so với 2 lần dứt điểm của đội tuyển Ba Lan, có tới 181 pha tấn công so với 59 pha tấn công của đội tuyển Ba Lan, có một đội hình chất lượng vượt trội so với đội tuyển Ba Lan khi mà thậm chí ngôi sao sáng nhất của đội tuyển Ba Lan là Robert Lewandowski không ra sân thi đấu… vậy mà đội tuyển Ha Lan chỉ có thể có được chiến thắng với tỷ số tối thiểu. Và sự lo ngại đã trở thành hiện thực khi ngay sau đó đội tuyển Hà Lan đã nhận lấy thất bại 0-1 trước đội tuyển Italia, trong một thế trận hoàn toàn bế tắc, hoàn toàn lép vế trước đối thủ.


Nguyên nhân cho sự bế tắc này hết sức đơn giản, nó đến từ việc huấn luyện viên trưởng Ronald Koeman, công trình sư giúp đội tuyển Hà Lan vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đã nhận lời mời từ câu lạc bộ Barcelona mà rời khỏi đội tuyển. Huấn luyện viên tạm quyền của đội tuyển Hà Lan là Dwight Lodeweges, vốn là trợ lý của Ronald Koeman, một huấn luyện viên không có tên tuổi ở các giải đấu cấp thấp của Hà Lan, rõ ràng là chưa đủ kinh nghiệm đối đầu với những đội bóng hàng đầu thế giới, với những huấn luyện viên đẳng cấp hàng đầu thế giới, để có thể kế thừa được chỗ trống mà Ronald Koeman để lại.


Sau World Cup 2014 đội tuyển Hà Lan đã rơi vào cơn khủng hoảng tài năng, khi mà hàng loạt ngôi sao như Wesley Sneijder, Arjen Robben, Robin Van Persie… đã qua thời kỳ đỉnh cao mà không có thế hệ kế cận tương xứng. Cơn khủng hoảng đó đã khiến cho đội tuyển Hà Lan không thể có mặt trong Euro 2016 và World Cup 2018. Và cơn khủng hoảng đó chỉ chấm dứt khi Ronald Koeman lên nắm quyền vào tháng 2 năm 2018. Với việc mạnh dạn thay máu đội tuyển, trọng dụng các cầu thủ trẻ, lần lượt tạo cơ hội cho những Van Dijk, Georginio Wijnaldum, Memphis Depay, De Ligt, Frenkie De Jong, Van De Beek… tích lũy kinh nghiệm và vươn tầm thế giới, Ronald Koeman đã dần giúp đội tuyển Hà Lan lấy lại hình ảnh “Cơn lốc màu da cam” trong quá khứ. Dưới thời Ronald Koeman, tính từ khi vị huấn luyện viên này dẫn dắt đội tuyển Hà Lan tham dự Nations League 2018-2019, đội tuyển Hà Lan có thể nói là thắng nhiều thua ít, với 9 trận thắng 3 trận hòa và 3 trận thua, đi tới trận chung kết Nations League 2018-2019, có được vé tham dự vòng chung kết Euro 2020.


Khác biệt rõ ràng nhất của đội tuyển Hà Lan thời kỳ hậu Ronald Koeman chính là khả năng tận dụng cơ hội cũng như sơ đồ chiến thuật cho phù hợp với tình hình diễn ra trên sân. Điều này thấy rõ nhất trong trận đấu với đội tuyển Italia, trong khi huấn luyện viên Roberto Mancini tỏ ra cao tay khi phong tỏa được tất cả những mũi nhọn tấn công của đội tuyển Hà Lan, cuốn các cầu thủ Hà Lan vào lối chơi mà vị huấn luyện viên này mong muốn, thì Dwight Lodeweges lại tỏ ra lúng túng trong việc phá giải ý đồ của đối phương, tạo nên những sự thay đổi tức thời để xoay chuyển cục diện trận đấu. Đó là trận đấu mà những ngôi sao tấn công như Memphis Depay, Georginio Wijnaldum, Steven Bergwijn… bị các cầu thủ đối phương chia cắt, phong tỏa một cách triệt để dẫn đế tình trạng đói bóng, nhưng trong cả trận đấu Dwight Lodeweges vẫn không thể đưa ra phương án nào để giải quyết vấn đề này. Đây chính là khiếm khuyết về mặt kinh nghiệm không thể bù đắp trong một sớm một chiều.


Rõ ràng là đội tuyển Hà Lan phải học cách đi tiếp trong thời kỳ hậu Ronald Koeman, nếu như Dwight Lodeweges không đủ khả năng gánh vác trọng trách, thì phải tìm được sự thay thế tương xứng càng nhanh càng tốt, nếu như không muốn đà tiến bộ của đội tuyển Hà Lan bị khựng lại, hoặc thậm chí là đi xuống.

Cao Duy