06:09, 11/09/2020

Ấn Độ chuẩn bị gói hỗ trợ 23 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất toàn cầu

Chính phủ Ấn Độ được cho là đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ tài chính trị giá 23 tỷ USD (tương đương 1.680 tỷ rupee) nhằm mời gọi các nhà sản xuất toàn cầu chuyển nhà máy về nước này.

Chính phủ Ấn Độ được cho là đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ tài chính trị giá 23 tỷ USD (tương đương 1.680 tỷ rupee) nhằm mời gọi các nhà sản xuất toàn cầu chuyển nhà máy về nước này.
 
Chương trình khuyến khích này dựa trên một khuôn mẫu của kế hoạch từng được triển khai hồi đầu năm để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.
 
Trang tin Bloomberg News cho biết, Chính phủ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đưa ra các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất đối với các nhà sản xuất ô tô, tấm pin năng lượng mặt trời, các loại thép đặc chủng và cả các công ty sản xuất dụng cụ gia đình.
 
 

 

Một nhà máy sản xuất ô tô của công ty Suzuki Maruti tại thành phố Gurugram, bang Haryana, Ấn Độ (ANI).
Một nhà máy sản xuất ô tô của công ty Suzuki Maruti tại thành phố Gurugram, bang Haryana, Ấn Độ (ANI).
 
Bên cạnh đó, cơ quan hoạch định chính sách Ấn Độ cũng đang cân nhắc đưa thêm các lĩnh vực như dệt may, chế biến thực phẩm, và các nhà sản xuất thuốc biệt dược vào danh sách nhận ưu đãi. Trong khuôn khổ chương trình khuyến khích đưa ra trước đó, hơn 20 công ty nội địa và nước ngoài đã đăng ký tham gia. Các nhà sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử nổi tiếng thế giới như Samsung, Hon Hai, Foxconn và Wistron đã cam kết đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để mở các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Ấn Độ trong 5 năm tới. Đổi lại, chính phủ Ấn Độ sẽ thưởng cho các doanh nghiệp này số tiền tương đương 4- 6% doanh số gia tăng trong khoảng thời gian này.
 
Ấn Độ kỳ vọng thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tạo động lực hồi phục nền kinh tế vốn đang trải qua quãng thời gian suy thoái trầm trọng. Trong quý 1 của năm tài khóa 2020-2021 (từ tháng 4- tháng 6 vừa qua), kinh tế Ấn Độ tăng trưởng âm 23,9%. Chính phủ Ấn Độ cũng đang tiến hành các biện pháp cải tổ như hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức gần như thấp nhất châu Á, sửa đổi quy định phá sản để giúp việc kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa thể biến Ấn Độ trở thành điểm đến số một trong mắt các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.   
 
Đánh giá về tác động của các biện pháp khuyến khích này, Madan Sabnavis, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng xếp hạng tín nhiệm Care Ratings cho rằng chính sách mới chắc chắn sẽ tác động tích cực tới lĩnh vực sản xuất, đặc biệt các ngành hàng đang tăng trưởng nóng như tấm năng lượng mặt trời và điện tử. “Đây là cách hay để thu hút đầu tư và có tiềm năng để tạo ra khác biệt trong các lĩnh vực này", Madan Sabnavis nói.  
 
Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng đang xây dựng chương trình sản xuất theo phân đoạn trong các lĩnh vực khác, nhằm giúp các công ty tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Chương trình này sẽ khởi đầu với lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện cho điện thoại thông minh; sau đó mở rộng sang các danh mục khác như nội thất, đồ nhựa, đồ chơi và sản phẩm đồ dùng lâu bền giá trị thấp. Hầu hết các sản phẩm này Ấn Độ đang nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Trong năm tài chính 2019-2020 kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua, Ấn Độ đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 65 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của quốc gia Nam Á này chỉ có 17 tỷ USD./.
 
Theo VOV