11:05, 18/05/2017

Người cán bộ lãnh đạo phải gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân

Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Người tận tâm suốt đời với sự nghiệp đấu tranh để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 

Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân của Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Người tận tâm suốt đời với sự nghiệp đấu tranh để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cuộc đời 79 mùa xuân của mình, Bác kính yêu của chúng ta dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. Mục tiêu, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời là: “Tôi chỉ một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. Nhưng để Nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì Đảng phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân và tuyên truyền, vận động Nhân dân giác ngộ, tự nguyện làm tròn bổn phận và trách nhiệm công dân của mình.


Tư tưởng gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân không những được thể hiện trong những sách lý luận bàn về dân, dân chủ của Người, mà nó còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong vòng 10 năm (1955 - 1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính trung bình mỗi năm Bác đi xuống cơ sở 60 lượt. Trọng dân, Người đến với dân. Trọng dân, Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần những người dân lương thiện, lao động cần cù, một nắng hai sương, an ủi họ, tạo mọi điều kiện để họ có cơ hội sống tốt, sống khỏe, sống vì mình, vì người, vì cộng đồng của 54 dân tộc anh em. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của Nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”.

 

1

Bác Hồ cấy thử máy cấy tại Trại thí nghiệm của thanh niên ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1960. (Ảnh tư liệu)

 

Trong mối quan hệ giữa cán bộ và Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được”. Vì vậy, Người yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, là công bộc của Nhân dân. Muốn phụng sự được Nhân dân, là công bộc của Nhân dân thì người cán bộ, đảng viên không chỉ biết gần gũi với Nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, mà còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Trong thực tế hiện nay, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên ngại gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với Nhân dân; đồng thời những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng không đến được với Ðảng và Chính phủ. Bài học từ vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi chúng ta. Những người đứng đầu chính quyền các cấp phải biết lắng nghe, tiếp xúc, đối thoại với dân, tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc, đồng thời giải thích cho mọi người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước để tạo sự đồng thuận cao trong dân thì chắc chắn vụ việc ở Đồng Tâm đã không xảy ra. Nhưng thật tiếc, vẫn có những cán bộ, đảng viên xa dân, lên mặt với dân, chưa làm tròn bổn phận là công bộc của dân.  


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều đến lòng tin của người dân với Ðảng và Nhà nước, cụ thể là với những người lãnh đạo, quản lý. Người cho rằng, muốn được dân tin Ðảng, tin Nhà nước của mình, thì người lãnh đạo và quản lý, trước hết, phải dân chủ với dân, tôn trọng dân như tôn trọng chính bản thân mình. Không tôn trọng dân, không dân chủ với dân sẽ làm khoảng cách giữa Ðảng, Nhà nước với dân ngày một xa, làm cho lãnh đạo và người dân cách biệt nhau, xa rời nhau. Quần chúng Nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự Nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Để làm được điều đó, cán bộ, đảng viên phải thật sự sâu sát, gắn bó với quần chúng Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những bức xúc của Nhân dân để kịp thời giải quyết hợp lòng dân; đồng thời phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm trước quần chúng Nhân dân; nghiêm túc và thẳng thắn tiếp thu góp ý của Nhân dân để khắc phục hạn chế, khuyết điểm.


Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề quan trọng bậc nhất là vấn đề lợi ích của người dân. Nếu lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Ðảng, tin chế độ. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, phải có chính sách đúng. Quan điểm của Hồ Chí Minh là, tất cả đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước đều có ảnh hưởng trực tiếp đến dân, đều phải hướng vào dân và nhằm nâng cao đời sống của nhân dân. Trong Di chúc, Người viết: Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải từ nơi quần chúng ra, trở về nơi quần chúng”. Đặc biệt đối với người cán bộ lãnh đạo phải càng gần dân, hiểu dân; người lãnh đạo càng hiểu dân, lắng nghe và đối thoại với dân thì càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.


Trong giai đoạn mới hiện nay, cán bộ, đảng viên phải thật sự có tinh thần cầu thị, thấm nhuần tư tưởng phong cách, đạo đức “gần dân - trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Có như thế thì các phong trào hành động cách mạng, các chính sách nhất quán mới đạt được hiệu quả cao và mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với quần chúng nhân dân mới ngày càng thêm chặt.


Nguyễn Quốc Ninh
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa)