10:09, 15/09/2019

Ninh Hòa: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang tập trung để nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 10 xã vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân.

 

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang tập trung để nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) lên 10 xã vào cuối năm nay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân.


Thành quả đáng ghi nhận


Cuối năm 2010, khi toàn tỉnh triển khai Chương trình xây dựng NTM, rất nhiều tiêu chí của 20 xã tham gia chương trình ở Ninh Hòa có xuất phát điểm là con số 0. Chưa có xã nào đạt tiêu chí về quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Đặc biệt, các tiêu chí “mềm” như: Thu nhập, lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, môi trường đều chưa có xã nào đạt tới mức độ của một xã NTM.

 

Cánh đồng mẫu Ninh Quang được đầu tư bài bản.

Cánh đồng mẫu Ninh Quang được đầu tư bài bản.


Sau quá trình phấn đấu, đến hết năm 2018, Ninh Hòa có 8 xã NTM. Dự kiến cuối năm nay, sẽ có thêm Ninh Phú và Ninh Tân đạt NTM, đảm bảo mục tiêu có 12/20 xã NTM vào cuối năm 2020. Điều quan trọng, bên cạnh những con đường bê tông rộng thoáng, hệ thống thủy lợi cứng hóa phủ đều đến các chân ruộng, cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần của cư dân nông thôn ngày một nâng cao, đến nay, một số tiêu chí quan trọng đều đã đạt: Toàn bộ 20 xã đều đạt tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên, 19 xã không còn hộ nghèo. Đây đang được coi là cơ sở để Ninh Hòa tiếp tục nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn theo đúng mục tiêu của chương trình.


Sau 10 năm xây dựng NTM, ở Ninh Hòa đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới hiệu quả hơn, mang đến thu nhập tốt hơn, đặc biệt là các mô hình kinh tế tập thể. Thương hiệu Gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang đã cơ bản tìm được chỗ đứng trên thị trường; vùng rau Ninh Đông đã hình thành nên Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông cùng với 1 doanh nghiệp trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để phân phối nông sản của mình ra thị trường theo các hợp đồng kinh tế ổn định, bền vững; tại Ninh An, hàng chục hộ nuôi gà đã tập hợp lại với nhau, hình thành nên tổ hợp tác gà chọi thương phẩm nhằm quản lý toàn bộ quy trình từ ấp trứng, chăn nuôi cho đến phân phối ra thị trường…


Cần sự bền vững


Bên cạnh thành quả đạt được, thị xã Ninh Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng NTM ở địa phương còn thiếu một số yếu tố để có thể phát triển một cách bền vững. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt hơn, tác động lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.


Hiện nay, phần lớn diện tích của hơn 10.000ha mía đường và khoảng 10.000ha lúa ngày càng “hụt hơi” trước đòi hỏi của tiêu chí thu nhập. Quá trình chuyển dịch cây trồng là nhiệm vụ được nói đến nhiều, nhưng chuyển sang trồng cây gì lại cần thêm nhiều thời gian để có thể tìm được lời giải đáp. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, hoạt động chuyển đổi cây trồng ở địa phương những năm gần đây có tiến triển. Đối với diện tích rẫy tạp, chân đồi, ven sông… người dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả. Dừa xiêm, bưởi da xanh, mít, bơ… đang ngày một phát triển về diện tích. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi vẫn còn khá chậm. Ngoài yếu tố con người, phần lớn đất sản xuất chưa chủ động nước tưới đang là bài toán nan giải.


Từ thực tế trên, để hoàn thành mục tiêu có 20/20 xã đạt NTM vào năm 2025, trước mắt, thị xã Ninh Hòa tập trung nâng cao số xã đã đạt chuẩn thu nhập. Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp... Đây là những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM.


Bên cạnh nỗ lực của địa phương, thị xã Ninh Hòa đề nghị UBND tỉnh ngoài tập trung đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn từng năm, cần có cơ chế phân bổ nguồn vốn hàng năm cho các xã còn lại trong đầu tư xây dựng NTM; có chính sách bổ sung nhân lực để đảm bảo bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng NTM ở thị xã và cấp xã theo quy định.


Hồng Đăng