09:08, 07/08/2019

Bước chuyển trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả phấn khởi, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trên các vùng quê, chất lượng đời sống nhân dân cũng ngày một nâng cao.

 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả phấn khởi, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trên các vùng quê, chất lượng đời sống nhân dân cũng ngày một nâng cao.


Đầu tư có hiệu quả các nguồn lực


Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2010 với xuất phát điểm thấp, bình quân đạt 5,8 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của nhân dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả phấn khởi. Qua 10 năm thực hiện, huyện đã huy động và đầu tư có hiệu quả từ các nguồn lực với kinh phí hơn 714 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn như: giao thông, kênh mương, trường học… Song song đó, huyện tập trung chuyển đổi hình thức sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa sản xuất, khai thác các lợi thế vốn có về điều kiện tự nhiên thông qua việc đưa các giống cây và con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: sầu riêng, bưởi da xanh, dừa xiêm, tôm, cá…; triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, đưa các nông sản đặc trưng của huyện tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước như: chả cá, mỹ nghệ, trầm hương… Đồng thời, Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động xây dựng NTM cũng như tích cực lao động sản xuất, chủ động chuyển đổi giống cây trồng - vật nuôi và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từ đó đóng góp quan trọng vào thành quả xây dựng NTM của huyện.

 

Nông thôn Vạn Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Nông thôn Vạn Ninh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.


Ông Nguyễn Nở (thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn) cho biết, qua 10 năm xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt của vùng kinh tế mới Xuân Sơn. Hạ tầng nông thôn đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh. Cùng với đó, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, giúp người dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại thu nhập cao hơn. Vì vậy, đời sống nhân dân địa phương ngày càng được nâng lên. Xuân Sơn đã trở thành xã NTM vào cuối năm 2018.


Xã Vạn Thắng đã đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Thời gian qua, địa phương tập trung rà soát, thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí, xã đạt 17/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Ông Phạm Trần Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để hướng đến được công nhận lại đạt chuẩn NTM vào năm 2020, cũng như phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025”.


Nhiều giải pháp


Đến nay, huyện đã có 6 xã đạt chuẩn NTM gồm: Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Thắng, Vạn Bình và Xuân Sơn. Bình quân mỗi xã đạt 15,2 tiêu chí, toàn huyện không có xã nào dưới 6 tiêu chí. Đến hết năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn huyện hơn 1.300 tỷ đồng; 11/11 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ lao động có việc làm đều đạt hơn 95%; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến năm 2020, dự kiến có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Vạn Thọ (năm 2019) và Vạn Phước (năm 2020), nâng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên thành 8/11 xã.


Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp không ít khó khăn do kinh phí còn hạn chế, nhất là thiệt hại về sản xuất và hạ tầng nông thôn do bão số 12 cuối năm 2017 gây ra vẫn còn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Vì vậy, huyện cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp trong công tác xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện đã đề ra các giải pháp thực hiện, trong đó nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2025 khoảng 226 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng nông thôn. Cùng với đó là các giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hướng đến nâng cao thu nhập cho nhân dân như: đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm nông nghiệp nông thôn chủ lực của địa phương; triển khai phổ biến và vận động người dân tham gia chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả thấp sang liên kết theo chuỗi sản xuất; tiêu thụ hàng hóa có giá trị kinh tế cao… Tất cả các giải pháp trên nhằm hướng đến đưa Vạn Ninh đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025.


THANH HẢI