10:01, 29/01/2023

Phấn đấu nâng cao các chỉ số quản trị phát triển địa phương

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình  hành động triển khai thực hiện Kết luận số 91, ngày 18-10-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính , nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình  hành động triển khai thực hiện Kết luận số 91, ngày 18-10-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ (cơ quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình) cho biết:

 

1

Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ


Chương trình hành động xác định thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng gắn với CCHC, xây dựng bộ máy chính quyền tỉnh minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp, trong sạch, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển và hội nhập; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân... Tỉnh phấn đấu nâng cao thứ hạng các chỉ số quản trị phát triển địa phương, duy trì trong nhóm 25 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước giai đoạn 2022 - 2030.


- Thưa ông, thực hiện các mục tiêu trên đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực rất cao. UBND tỉnh yêu cầu như thế nào đối với các cơ quan, đơn vị?


- UBND tỉnh yêu cầu đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC; nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư; phát huy dân chủ trong thực hiện CCHC; đổi mới phương pháp làm việc; gắn CCHC với thực hiện nhiệm vụ, công vụ; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước... Các đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh CCHC gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; bố trí đủ nguồn lực tài chính và nhân lực cho CCHC; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, coi trọng thí điểm mô hình mới, sáng kiến CCHC; tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu.


Theo đó, các tiêu chí bình xét đặt ra cao hơn: Không xếp hạng tốt về kết quả CCHC đối với cơ quan, đơn vị, địa phương có từ 5% hồ sơ trễ hạn trở lên, hoặc chỉ số hài lòng từ 80% trở xuống; không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức có từ 10% hồ sơ trễ hạn trở lên (năm 2025 phấn đấu còn 5%) và đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả xếp hạng CCHC mức trung bình trở xuống; xử lý trách nhiệm, đưa ra khỏi quy hoạch, điều chuyển, thay thế người đứng đầu nếu kết quả CCHC của đơn vị 2 năm liên tục xếp hạng trung bình hoặc 1 năm xếp hạng yếu. Tổ chức cơ sở đảng, tập thể lãnh đạo xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải xếp hạng tốt về kết quả CCHC.


- Xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ quan, đơn vị cần thực hiện?


- Chương trình hành động đề ra 7 nhóm nhiệm vụ,  trong đó tập trung nâng cao hiệu quả cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách bền vững; thực hiện tốt việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách; kịp thời thể chế các chủ trương, nghị quyết của Đảng về cơ chế đặc thù, các cơ chế, chính sách được phân cấp cho tỉnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách; tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá việc thực hiện đến tận cơ sở. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản, đánh giá tác động chính sách với đối tượng chịu tác động; nâng cao chất lượng soạn thảo, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường phối hợp tham gia, xây dựng chính sách, pháp luật; rà soát, tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị tham mưu để kịp thời kiến nghị; chủ động đề xuất, tham mưu UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền nội dung thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, chú trọng về quản lý đất đai, xây dựng, tài chính, đầu tư, cung ứng dịch vụ công...

 

Khai trương  điểm hỗ trợ dịch vụ  công trực tuyến tại xã Vĩnh Hiệp  (TP. Nha Trang). Ảnh: BKH

Khai trương điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang). Ảnh: BKH


Bên cạnh đó, các ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác trên phương tiện thông tin đại chúng về quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; về dự án, thời hạn, nhu cầu sử dụng đất; chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; danh mục công trình, dự án kêu gọi đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư... Các đơn vị chủ động hỗ trợ, giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ trì, phối hợp rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định; tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại; tham mưu ban hành quy chế xác định trách nhiệm, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp xây dựng cơ chế chuyên gia; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC), tiếp cận đất đai; tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng; nghiên cứu xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu công bố bản đồ trực tuyến để hoàn thành đăng tải bản đồ quy hoạch sử dụng đất dạng số...


Cùng với đó, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đẩy mạnh cải cách TTHC, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến; tăng cường rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nhất là về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, xây dựng, đất đai, đầu tư, môi trường, khoáng sản, cấp chứng chỉ, chứng nhận, giấy phép; tham mưu UBND tỉnh đề xuất cắt giảm TTHC, thành phần hồ sơ không hợp lý; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính; rà soát, công bố dịch vụ công trực tuyến đối với 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính công ích. Đối với các dịch vụ sự nghiệp công liên quan đến TTHC, cần xây dựng quy trình kiểm soát, cung cấp trực tuyến, nhất là về đất đai; từng bước áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp trực tuyến các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đưa vào hoạt động trong năm nay; giải quyết TTHC theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả); từ năm 2025 trở đi, chuyển sang giao dịch trực tuyến là chủ yếu.


UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đặc thù cán bộ, công chức, viên chức làm tại bộ phận một cửa. Sở Nội vụ tham mưu, phối hợp đề xuất chính sách thu hút người có tài năng vào hoạt động công vụ, gắn với đánh giá, ghi nhận, trọng dụng người đang trong bộ máy có năng lực, thành tích xuất sắc; tham mưu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực tỉnh định hướng phát triển. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập; giai đoạn 2022-2026, giảm ít nhất 5% biên chế công chức, tối thiểu 10% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với hiện nay...


- Xin cảm ơn ông!


NGUYỄN VŨ (Thực hiện)