10:09, 12/09/2022

Thanh tra tỉnh Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số

Thanh tra tỉnh Khánh Hòa là một trong những cơ quan nhiều năm liền được xếp loại tốt về ứng dụng công nghệ thông tin và công tác cải cách hành chính. Đơn vị đang tích cực chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thanh tra tỉnh Khánh Hòa là một trong những cơ quan nhiều năm liền được xếp loại tốt về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và công tác cải cách hành chính. Đơn vị đang tích cực chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.


Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin


Từ nhiều năm trước, việc ứng dụng CNTT ở Thanh tra tỉnh đã được quy chế hóa nhằm giúp công tác chỉ đạo, điều hành thuận lợi, hoạt động nghiệp vụ được quản lý chặt chẽ hơn. Năm 2007, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai mô hình văn phòng điện tử và chữ ký số. Thanh tra tỉnh cũng tin học hóa việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại bộ phận một cửa từ sớm; triển khai ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ vào công tác chuyên môn, như: Thanh tra xây dựng cơ bản; thanh tra tài chính; theo dõi tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cơ quan cũng xây dựng giải pháp sao lưu dữ liệu dự phòng với phần mềm quản lý đơn thư, lưu trữ; tiếp tục ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động thanh tra…

 

Cán bộ Thanh tra tỉnh tác nghiệp trên phần mềm xử lý chồng chéo và hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Cán bộ Thanh tra tỉnh tác nghiệp trên phần mềm xử lý chồng chéo và hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.


Năm 2019, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp (DN), Thanh tra tỉnh đã xây dựng phần mềm xử lý chồng chéo và hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN trên địa bàn tỉnh; chủ động thử nghiệm xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo đối với gần 2.000 DN. Không chỉ áp dụng ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, phần mềm còn được nhân rộng cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Cục Quản lý thị trường tỉnh. Đây cũng là đề tài khoa học cấp tỉnh, được đánh giá xuất sắc; được Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bản quyền. Đề tài được UBND tỉnh chỉ đạo đưa vào ứng dụng từ năm 2020; được Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đánh giá cao, đề nghị nâng cấp để ứng dụng trong toàn ngành Thanh tra Việt Nam. Từ đó, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp cập nhật, cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, vận hành phần mềm trên địa bàn tỉnh và ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN hàng năm. Đến nay, không có DN phản ánh bị chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.


Từ năm 2015 đến nay, Thanh tra tỉnh luôn được xếp loại tốt về ứng dụng CNTT và công tác cải cách hành chính. Tại hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020 của Thanh tra tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những thành tích, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT hiệu quả của đơn vị.


Chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực công tác

 

Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đổi mới toàn diện công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, xây dựng cơ quan số, chính quyền số; chuyển đổi số hiệu quả trong tất cả các hoạt động, lĩnh vực công tác. Cơ quan sẽ hoàn thiện hạ tầng CNTT đồng bộ với hạ tầng của tỉnh và Thanh tra Chính phủ; tiếp tục nâng cấp các phần mềm đã triển khai nhằm tối ưu hiệu quả; chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến và số hóa tối đa các dữ liệu cho phép nhằm tăng hiệu suất, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.


Ngành cũng phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ; tiếp nhận, triển khai, vận hành, khai thác hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh, ưu tiên các ứng dụng phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Đơn vị cũng tích cực ứng dụng CNTT trong chuyên môn nhằm nâng cao chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ngành Thanh tra. Đồng thời, ngành sẽ nghiên cứu phát triển ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý chồng chéo và lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, hướng tới xây dựng “hệ sinh thái nghiệp vụ thanh tra” để quản lý toàn diện hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trên môi trường số; xây dựng, phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản thu nhập trên địa bàn tỉnh, hướng tới tích hợp một số cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho tỉnh, hướng tới quản lý toàn diện hoạt động này trên môi trường số…

Thanh tra tỉnh phấn đấu, đến năm 2025, sẽ xây dựng “văn phòng không giấy tờ”, “phòng họp không giấy tờ”, nghiên cứu xây dựng hội nghị truyền hình trực tuyến tới thanh tra các sở, ban, ngành, cấp huyện và Thanh tra Chính phủ; phấn đấu hơn 50% hoạt động kiểm tra được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan. Đến năm 2030, Thanh tra tỉnh sẽ xây dựng mô hình văn phòng thông minh; có hơn 70% hoạt động kiểm tra được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan.


NGUYỄN VŨ