10:08, 29/08/2022

Tìm giải pháp nâng cao chỉ số PAPI

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị trao đổi về các giải pháp nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Khánh Hòa năm 2022. Qua hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia đã thảo luận, đề xuất phương thức, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số này.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị trao đổi về các giải pháp nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Khánh Hòa năm 2022. Qua hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia đã thảo luận, đề xuất phương thức, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số này.


Phân tích những tồn tại


Chỉ số PAPI năm 2021 gồm 8 chỉ số nội dung. So với năm 2020, năm 2021, một số chỉ số của tỉnh đã chuyển biến tích cực. Ở chỉ số Quản trị điện tử, Khánh Hòa thuộc nhóm 16 tỉnh đạt điểm số cao toàn quốc. Bà Đào Thu Hương, cán bộ vì quyền của người khuyết tật Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ, cổng dịch vụ công của tỉnh rất dễ tiếp cận, giao diện mượt, chức năng tìm kiếm cũng dễ dùng. Ở chỉ số Cung ứng dịch vụ công, tỉnh có mức tăng gần 5% và thuộc các tỉnh đạt điểm cao nhất. Chỉ số Sự tham gia người dân ở cấp cơ sở cũng tăng hơn 20%. Đặc biệt, tỷ lệ người dân Khánh Hòa đi bầu cử trực tiếp đạt khá cao.

 

Điểm số của Khánh Hòa ở từng chỉ số nội dung PAPI và điểm số cao nhất toàn quốc năm 2021.
Điểm số của Khánh Hòa ở từng chỉ số nội dung PAPI và điểm số cao nhất toàn quốc năm 2021.

 

Tuy nhiên, tổng điểm PAPI của tỉnh vẫn thuộc nhóm 16 tỉnh có điểm trung bình thấp. Ngay cả các chỉ số đã chuyển biến tích cực cũng còn một vài nội dung cần cải thiện. Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công UNDP tại Việt Nam nêu, ở chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, tỷ lệ người dân đóng góp ý kiến cho các dự án xây mới, tu sửa công trình công cộng vẫn còn khiêm tốn. Ở chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tuy điểm số của tỉnh đã tăng, nhưng vẫn còn tình trạng “chi lót tay” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay đi khám chữa bệnh. Tương tự, chỉ số Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương tuy tăng điểm khoảng 14%, nhưng tỷ lệ tiếp cận thông tin về kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất còn hạn chế.


Một vài chỉ số khác của tỉnh còn ít chuyển biến. Tỷ lệ người dân đến gặp công chức cấp xã hay liên hệ với đại biểu HĐND cấp xã khi có khúc mắc còn thấp. Dịch vụ hành chính ở bộ phận một cửa cấp xã được đánh giá ở mức trung bình. Nhiều người được phỏng vấn chưa đánh giá cao chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện; cho rằng chính quyền địa phương chưa xử lý vấn đề môi trường ngay sau khi người dân thông báo.


Chia sẻ về thực tế địa phương, đại diện UBND xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) cho biết, tuy xã có tuyên truyền, lắp đặt trang thiết bị, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến nhưng mức độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn yếu. Họ không biết cách thao tác thực hiện trực tuyến. Đại diện UBND phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) chia sẻ áp lực về nhân lực hạn chế trong khi dân số đông, kéo theo nhu cầu thực hiện TTHC lớn. Bà Lê Thị Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Thọ (Nha Trang) xác nhận, sau một thời gian toàn tỉnh triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, mức độ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân ở phường đã tốt hơn, vì vậy, đề nghị tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.


Khuyến nghị ưu tiên cải thiện một số lĩnh vực


Bà Đỗ Thanh Huyền lưu ý, để người dân đánh giá tích cực hơn về hiệu quả hoạt động công vụ, cần nhìn sâu vào kết quả đánh giá các chỉ tiêu cụ thể; xác định vấn đề cần ưu tiên giải quyết và dư địa cải thiện ở từng tiêu chí. Bà đề xuất tỉnh cần ưu tiên cải thiện các lĩnh vực: Quản trị điện tử; quản trị môi trường; trách nhiệm giải trình với người dân; sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định. Trong đó, ưu tiên tổ chức tham vấn công dân, đảm bảo quyền tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền địa phương và bầu cử đại diện ở cơ sở; cải thiện việc tiếp công dân; phúc đáp sớm các yêu cầu, phản ánh của dân; nâng cấp bệnh viện công tuyến huyện. Đồng thời, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến bên cạnh dịch vụ công truyền thống, chú trọng nâng cấp điều kiện tiếp cận dịch vụ ở các địa bàn khó khăn, xa xôi; đẩy mạnh điện tử hóa việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giảm thiểu nhũng nhiễu khi người dân tương tác trực tiếp với cơ quan cấp giấy. Chính quyền cấp huyện, cấp xã cần triển khai các chính sách vì người dân mạnh mẽ hơn bằng cách rà soát những nội dung người dân chưa hài lòng thông qua các tiêu chí cụ thể trong bộ chỉ số PAPI.


Ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để có thể đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của người dân, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan đang tham mưu UBND tỉnh nâng cấp toàn bộ hệ thống Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.   

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt tăng cường phổ biến tầm quan trọng của chỉ số PAPI. Đồng thời, tập trung rà soát, đề xuất cắt giảm các TTHC rườm rà, phức tạp; kịp thời công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả khảo sát chỉ số PAPI; tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức; tạo thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia góp ý xây dựng chính quyền…


NGUYỄN VŨ