11:12, 02/12/2021

Cần ban hành Luật Thi hành án hành chính

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, các địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính (THAHC); làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…

Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, các địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính (THAHC); làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…


Thực tiễn thi hành án hành chính còn hạn chế


Hệ thống pháp luật về thi hành án hiện nay có Luật Thi hành án Hình sự và Luật Thi hành án Dân sự và các Văn bản hướng dẫn quy định cụ thể trình tự thủ tục thi hành án. Riêng lĩnh vực THAHC vẫn chưa có Luật  THAHC. Việc THAHC được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, hiệu lực thi hành không cao. Quá trình triển khai thực hiện tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình là việc không ít các vụ kiện người đại diện không tham gia phiên tòa theo triệu tập của Tòa án; số lượng bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành ngày càng tăng qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật  TTHC và THAHC  của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa nghiêm; việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm trong việc tham mưu, ban hành quyết định hành chính (QĐHC) thực hiện hành vi hành chính (HVHC) và trong việc THAHC chưa hiệu quả.


Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 15-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC. Trong đó, yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật TTHC; nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành QĐHC, thực hiện HVHC tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính; chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện QĐHC, HVHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với QĐHC, HVHC của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước.


Chính phủ  đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát đối với UBND, Chủ tịch UBND trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.


Cần sớm ban hành Luật thi hành án hành chính


Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và  THAHC nhưng đến nay vẫn  tồn tại  hạn chế bất cập, dẫn đến những trường hợp, bản án hành chính  có hiệu lực không được chấp hành nghiêm, ảnh hưởng đến quyền và  lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, khiếu nại kéo dài.


Thực tiễn, số bản án hành chính chưa thi hành vẫn tồn đọng, phần lớn là do người phải thi hành án lại chính là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, dẫn đến việc Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ THAHC nhưng thực tế chưa có trường hợp nào bị xử lý  theo quy định. Hầu hết các bản án, quyết định phải thi hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai - là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm.


Hoạt động xét xử và thi hành các bản án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai là loại án mang tính chất đặc thù vì quan hệ giữa người khởi kiện với người bị kiện tuy bình đẳng về tố tụng trước Tòa án chỉ là lý thuyết, nhưng trong quan hệ hành chính thì người bị kiện là người quản lý, còn người khởi kiện là người bị quản lý. Hai chủ thể này trong từng vụ án mà có thể là người được thi hành án hay người phải thi hành án; ở mỗi vụ án cụ thể vai trò, vị trí của hai chủ thể này lại khác nhau. Đó là chưa nói đến trường hợp người phải thi  hành án là Chủ tịch UBND nhưng lại là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án ở  địa phương dẫn đến việc Thi hành án, cụ thể là chấp  hành viên có bản lĩnh cương quyết trong THAHC?  


Thiết nghĩ, Quốc hội cần sớm ban hành Luật THAHC, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và hiệu quả cho công  tác  THAHC để chấm dứt thực trạng bản án hành chính có hiệu lực trên giấy.  


Hồng Hà