10:04, 13/04/2020

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 1 trong 2 cơ quan đạt chỉ số cải cách hành chính cao nhất khối sở. Trong thành tích đó, sở đã có những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) là 1 trong 2 cơ quan đạt chỉ số cải cách hành chính cao nhất khối sở. Trong thành tích đó, sở đã có những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN).


Tích cực tham mưu, tuyên truyền


Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, những năm trước, lĩnh vực GDNN còn gặp khó khăn do phụ huynh định kiến với việc học nghề nên hạn chế cho con vào trường nghề. Nhằm thay đổi định kiến, nâng cao chất lượng GDNN, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, sở đã đề xuất nhiều giải pháp với UBND tỉnh, trong đó có triển khai Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trung cấp, trung tâm GDNN đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

 

Hướng dẫn học sinh thực hành nghề điện  tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa.

Hướng dẫn học sinh thực hành nghề điện tại Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa.


Thực hiện đề án, sở đã tổ chức hội nghị công tác tuyển sinh, phổ biến các văn bản về GDNN; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh GDNN bằng nhiều hình thức. Năm 2019, lần đầu tiên, Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN được sở tổ chức, thu hút nhiều thầy cô giáo, phụ huynh và hơn 1.000 học sinh tham gia. Những người tham dự được thông tin về ngành nghề đào tạo, các cơ sở GDNN, chế độ chính sách khi học nghề, điều kiện học tập, cơ hội việc làm được truyền đạt qua gian hàng triển lãm, nghe chia sẻ thành công của các cựu sinh viên học nghề; nghe tư vấn của diễn giả; xem trình diễn kỹ năng nghề nghiệp...


Nâng cao chất lượng


Cùng với việc tích cực tham mưu, tuyên truyền, các giải pháp chuẩn hóa điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN cũng được triển khai. Năm 2019, sở đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho 5 nghề trọng điểm; sửa chữa, cải tạo nhà xưởng thực hành của 3 trường trung cấp nghề: Cam Lâm, Dân tộc nội trú Khánh Sơn và Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Các trường trung cấp, trung tâm GDNN cũng chủ động đầu tư trang thiết bị đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để đưa học sinh đi thực tập. Từ tham mưu của sở, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh ngành, nghề trọng điểm của các trường trung cấp và bổ sung Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa vào danh sách trường được đầu tư ngành, nghề trọng điểm và được Bộ LĐ-TB-XH chấp thuận vào cuối năm vừa qua.


Từ năm 2019 đến nay, sở đã hỗ trợ 68 giáo viên trường trung cấp nghề ôn tập, thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; phối hợp bồi dưỡng kiến thức quản lý cơ sở GDNN cho 106 cán bộ, giáo viên; tập huấn kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho 25 giáo viên. Đến cuối năm 2019, trong 237 nhà giáo, cán bộ quản lý các trường trung cấp trực thuộc sở, 1 người đã đạt trình độ tiến sĩ, 35 người là thạc sĩ. Các hoạt động phối hợp đào tạo cũng được đẩy mạnh. Các trường cao đẳng, trung cấp công lập hiện đã có quan hệ hợp tác đào tạo với 140 doanh nghiệp, trong đó ký hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác với 132 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn đầu tư cơ sở đào tạo nghề và tham gia tích cực từ khâu dự báo nhu cầu lao động, xây dựng tiêu chuẩn, chương trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và giải quyết việc làm sau đào tạo. Sở còn tổ chức hội nghị gắn kết doanh nghiệp với GDNN, thu hút 40 doanh nghiệp cùng nhiều cơ quan, trường nghề tham gia; tổ chức ký kết hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN. Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp mạnh dạn giảng dạy văn hóa đi đôi với dạy nghề và tăng cường chất lượng cả hai nội dung... Phần mềm tích hợp cơ sở dữ liệu về GDNN toàn tỉnh do sở xây dựng đã chính thức hoàn thành cuối năm vừa qua và đang được nhập liệu.


Những giải pháp trên bước đầu mang lại hiệu quả: năm 2019, tuyển sinh trung cấp toàn tỉnh vượt chỉ tiêu giao. Các cơ sở GDNN, đơn vị liên kết đào tạo đã tuyển sinh GDNN các trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 29.000 người. Các trường trung cấp trực thuộc sở hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao với 2.900 học sinh trung cấp. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%. “Năm 2020, sở sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, đảm bảo học viên sau đào tạo đạt chất lượng và có việc làm phù hợp với nghề mà xã hội cần, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, bà Trang cho biết.


NGUYỄN VŨ

 


 

Năm 2019, Sở LĐ-TB-XH khắc phục các tồn tại trong công tác cải cách hành chính, đầu tư thêm trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ, quán triệt bộ phận một cửa tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân đến giải quyết công việc... Nhờ đó, trong tổng số gần 14.600 hồ sơ tiếp nhận, giải quyết, sở chỉ có 1 hồ sơ trễ hạn; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 82,91%. So với năm 2018, năm vừa qua, chỉ số cải cách hành chính của sở đạt 93,43%, tăng 8,26%, duy trì hạng tốt; chỉ số hài lòng tăng từ 79,29% lên 81,52%.